Chuyển đổi hơn 1.460ha đất trồng lúa sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao
(Chinhphu.vn) - Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, trong năm 2019, trên địa bàn Thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh lúa, hoa, rau, cây ăn quả.
Trong hơn số 1.467ha diện tích đất trồng lúa đã thực hiện chuyển đổi, có 534,78ha chuyển sang cây trồng hàng năm, 603,71ha chuyển sang cây trồng lâu năm, diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 328,65ha.
Về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến thóc gạo, thành phố đã triển khai một số mô hình, tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: Mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy tại huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai; mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Thanh Trì; mô hình áp dụng hệ thống SRI tại huyện Thạch Thất; mô hình máy cấy ở huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên; mô hình thực nghiệm ứng dụng đồng bộ một số giải pháp kỹ thuật canh tác lúa chất lượng tại huyện Ứng Hòa, Thanh Oai…
Trong ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất rau, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số mô hình tưới tiết kiệm cho cây rau tại huyện Đan Phượng, Thường Tín; thực nghiệm sản xuất rau theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại huyện Thường Tín; thử nghiệm màng phủ PassLite hạn chế sâu hại rau ăn lá tại: Sóc Sơn, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất... Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã triển khai 114 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Các mô hình, tiến bộ kỹ thuật này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá bán sản phẩm ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đáng nói, sản phẩm rau an toàn sản xuất theo chuỗi được người tiêu dùng tin tưởng. Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ tăng lên…
Với sản xuất cây ăn quả, cây chè, ngoài hướng dẫn các mô hình theo chuỗi, VietGAP, hữu cơ, trên địa bàn thành phố bước đầu hình thành các vùng sản xuất quả tập trung (bưởi, cam, chuối, nhãn, ổi...) với diện tích 885,9ha, sản lượng đạt 604,3 tấn/ha/năm; các vùng sản xuất chè tập trung diện tích 387ha, sản lượng 54,5 tấn/ha/năm; 4 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chè trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì. Tỷ lệ chè đã thực hiện liên kết theo chuỗi đạt 9,2% sản lượng chè được sản xuất… Kết quả, chính quyền địa phương đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo đảm ATTP, phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra giám sát ATTP, đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Minh Hương