Chuyển đổi số góp phần phát huy giá trị di tích quận Đống Đa
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích luôn được các cấp, ngành và nhân dân quận Đống Đa quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt trong việc ứng dụng chuyển đổi số để phát huy giá trị di tích, thúc đẩy du lịch.
Nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, quận Đống Đa có vị trí quan trọng trong việc kết nối với các quận, huyện khác trong thành phố. Những năm qua, khu vực này không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội mà còn giữ được những nét đẹp cổ xưa, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Đống Đa xưa là một vùng đất cổ của Kinh thành Thăng Long. Tên gọi Đống Đa gắn liền với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Cùng với hành trình lịch sử hàng ngàn năm, trên địa bàn quận có nhiều di tích lịch sử, danh thắng, hệ thống đình, chùa, miếu mạo, tiêu biểu cho kiến trúc, văn hóa từng thời kỳ.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quảng bá du lịch, văn hóa
UBND quận Đống Đa đã đưa ra kế hoạch số 263/KH-UBND của UBND quận Đống Đa nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, quận xây dựng trang thông tin điện tử Website "Godongda" cung cấp các thông tin giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa theo hướng phát triển du lịch bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, có liên kết với trang thông tin điện tử: Dongda 360, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Trước đó, vào tháng 2/2024, công trình Bản đồ số địa chỉ đỏ tại điểm di tích "Nhà lưu niệm Bác Hồ" - nơi Bác đã từng tới thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân phường Kim Liên cũng chính thức được khánh thành. Đây là những tư liệu quý góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô; phát huy lòng tự hào về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, ghi nhớ công lao và tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc, của thế hệ cha anh đi trước…
Trang web "Dongda360.vn" được quận Đống Đa tiến hành xây dựng từ tháng 7/2020 bằng phần mềm ứng dụng có khả năng tương tác cao với người sử dụng. Đây là hệ thống lưu trữ dữ liệu các di tích lịch sử, văn hóa và điểm đến về du lịch được số hóa, nhằm cung cấp cho người dùng phương tiện để tìm kiếm, tra cứu các điểm du lịch, dịch vụ, thương mại và các thông tin hỗ trợ trên địa bàn quận.
Có thể thấy, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích luôn được các cấp, ngành và nhân dân quận Đống Đa quan tâm triển khai thực hiện. Lãnh đạo quận xác định rõ tầm quan trọng của các di tích trên địa bàn, chủ trương biến những địa chỉ này thành điểm du lịch, thăm quan, giáo dục giới trẻ về văn hóa dân tộc.
Bên cạnh việc tu bổ tổng thể, sửa chữa chống xuống cấp di tích bằng nguồn kinh phí của quận và huy động xã hội hóa, thời gian qua, chính quyền quận Đống Đa thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong việc quảng bá du lịch, văn hóa.
Quận chủ trương huy động sự tham gia rộng khắp của các trường trên địa bàn đến với di tích, thiết kế các chương trình giáo dục truyền thống theo hướng đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm tại di tích thông qua ứng dụng công nghệ số, các trò chơi trí tuệ và một số hoạt động trò chơi vận động thể chất gắn với các sự kiện lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và Gò Đống Đa nhằm tăng cường tính tương tác, tạo trải nghiệm gần gũi cho giới trẻ.
Nhờ đó quận luôn hút đông đảo khách du lịch, người dân địa phương đến thăm quan, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, giáo dục lớp trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Quận Đống Đa xác định mục tiêu cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch để hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa phát triển… vào năm 2025.Tới năm 2030, quận phát triển đa dạng, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ, văn hóa có thương hiệu uy tín.
Đến năm 2045, phấn đấu để ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện, hình thành một số công trình văn hóa mang biểu tượng quận Đống Đa.
Số hóa để bảo tồn điểm di tích văn hóa, lịch sử
Thời gian qua thành phố Hà Nội đang hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế Thủ đô, trong đó có bảo tồn điểm di tích văn hóa, lịch sử. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Kế hoạch này nhằm tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô. TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiến hành số hoá 100% điểm Di tích lịch sử trên địa bàn Thủ đô.
Thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung vào các nhiệm vụ triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp thành phố có giá trị tiêu biểu theo lộ trình đã được phê duyệt.
Việc triển khai số hóa các di tích trên địa bàn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của của Thủ đô Hà Nội. Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ các tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng hệ thống dữ liệu chung của các di tích, lịch sử, văn hoá trên địa bàn mà còn giúp người dân trong và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Minh Anh