Cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ số

06/11/2024 4:52 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 6/11, nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong nền kinh tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024”.

Cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ số- Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Diễn đàn. Ảnh: VGP/Bích Phương

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow"-Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Diễn đàn thu hút hơn 250 đại biểu, bao gồm Bộ Công Thương, các bộ ngành, thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Lãnh đạo HPA; Lãnh đạo Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM);… cùng các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua các các Quyết định số 749/QĐ-TTg thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, giúp ứng dụng công nghệ số ngày càng phổ biến trong đời sống.

Những thay đổi tích cực từ quản lý Nhà nước, cách thức vận hành doanh nghiệp đến thói quen tiêu dùng của người dân thông qua thương mại điện tử đã đánh dấu bước tiến đáng ghi nhận của chuyển đổi số và thương mại điện tử Việt Nam.

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng lan rộng với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025. Hiện nay, thương mại điện tử không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.

Phó Cục trưởng Lại Việt Anh mong muốn Diễn đàn là không gian kết nối cho các doanh nghiệp đa dạng trong lĩnh vực sản xuất, thương mại điện tử, phân phối, thương mại, xuất nhập khẩu quốc tế, công nghệ và cung cấp giải pháp chuyển đổi số-từ quy mô lớn đến nhỏ.

Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử và chuyển đổi số, từ đó cải thiện quản trị và năng lực cạnh tranh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra hai phiên tọa đàm tập trung vào các chủ đề phát triển thị trường thương mại điện tử nội địa và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, các phiên thảo luận tại tọa đàm sẽ nhấn mạnh vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng của thương mại điện tử, tối ưu hóa cơ hội phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, tài chính số và thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Vietnam Post và BIDV cùng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên tham gia trao đổi về những giải pháp và thách thức trong lĩnh vực, mang tới cho những góc nhìn đa chiều, những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tiềm năng và thách thức của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Cũng tại Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử và công nghệ số giữa các địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp.

Bích Phương

Top