Cơ hội để các doanh nghiệp Việt xúc tiến thương mại
(Chinhphu.vn) - Việc thành phố Hà Nội liên tục tổ chức Tuần hàng Việt là hoạt động thiết thực kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng; đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người dân Thủ đô.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình Tuần hàng Việt TP. Hà Nội năm 2022. Sự kiện đã thu hút trên 100 gian hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt, thuộc các nhóm ngành: Hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ tham gia gian hàng tại Tuần hàng Việt.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức kiểm tra rà soát chặt chẽ hàng hóa, không cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lọt vào, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của các doanh.
Tham quan, mua sắm tại Tuần hàng Việt, chị Nguyễn Hồng Nhung (Phúc Xá, Long Biên) chia sẻ, chị đặc biệt thích đến mua sắm tại các chương trình, hội chợ như thế này bởi sản phẩm ở đây được cơ quan chức năng bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bán hàng bảo đảm văn minh thương mại, đúng quy định pháp luật.
"Vào dịp cuối tuần, khi thấy có hội chợ hàng hóa Việt hay Tuần hàng Việt tổ chức ở gần nhà là mình thường dẫn các con đến, vừa là đi chơi, thăm quan vừa là mua sắm những thực phẩm thiết yếu cho gia đình. Lần này mình đã chọn mua mấy chai mật ong Sơn La để dùng dần", chi Nhung vui vẻ nói.
Cầm gói miến Cao bằng trên tay, bác Nguyễn Thị Mùi (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) cho biết: "Cuối tuần tôi qua nhà con gái chơi với các cháu. Được dịp các con dẫn đi hội chợ mua sắm hàng hóa. Tôi thấy đặc sản Việt không chỉ ở Hà Nội và các tỉnh, thành rất đa dạng mà giá cả cũng phải chăng".
Tại gian hàng gạo và nông sản an toàn của Vinaseed, đại diện cơ sở cho biết, đến với Tuần hàng Việt, đơn vị đã mang giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách nhiều loại gạo tươi sạch, an toàn có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm gạo được tổ chức chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, phát triển, lựa chọn giống chất lượng cao đến chế biến, đóng gói…
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,3%). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 2.214 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,7%), trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 1.801 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,3% tổng mức, tăng 16,1%.
Mặc dù tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đã tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân phản ánh, hiện việc tiêu thụ sản phẩm Việt, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây… gặp nhiều khó khăn.
Thông qua chương trình Tuần hàng Việt TP. Hà Nội 2022, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn Thành phố.
"Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất", Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Có thể thấy, với việc tổ chức các Tuần hàng Việt tại các quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên… và các hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng trên địa bàn TP. Hà Nội đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt tới người tiêu dùng, du khách trong nước, quốc tế đến tham quan mua sắm.
Diệu Anh