Cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch địa phương

01/08/2023 4:34 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều chương trình Festival nông sản đã được tổ chức thành công tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Đông Anh, Ba Vì, Ứng Hòa... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch của địa phương.

Cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch địa phương - Ảnh 1.

Các chương trình Festival do HPA tổ chức góp phần góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP/TL

Tham gia các hoạt động Festival nông sản tại huyện Ứng Hòa do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều bày tỏ vui mừng phấn khởi bởi sản phẩm của họ đã được quảng bá rộng rãi đến người dân Thủ đô.

Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhật Bản Nguyễn Thị Trang chia sẻ: "Đến với Festival lần này, Công ty chúng tôi mang đến sản phẩm tỏi đen. Chúng tôi muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm và muốn giới thiệu để nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến tỏi đen-một sản phẩm rất tốt cho sức khỏe con người. Ngoài ra, Công ty cũng muốn có thêm nhiều bạn hàng, đối tác, nhà phân phối để mở rộng thị phần trong nước".

Đối diện gian hàng của bà Trang, các sản phẩm giò, lụa…đặc trưng, đạt chứng nhận OCOP 3, 4 sao của Công ty Thắng Hà cũng thu hút khá đông khách hàng mua sắm. Giá cả phải chăng, sản phẩm bảo đảm chất lượng và quan trọng nhất không mua phải hàng giả, hàng nhái là những yếu tố mà khách hàng lựa chọn, mua và sử dụng.

Cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch địa phương - Ảnh 2.

Cơ hội để doanh nghiệp có thể giới thiệu các sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng Thủ đô cũng như bạn hàng, đối tác. Ảnh: VGP/TL

Đại diện Công ty Thắng Hà chia sẻ: "Các sản phẩm của đơn vị đã đạt sản phẩm OCOP, bảo đảm chất lượng. Công ty cũng thường xuyên tham gia Tuần hàng, Hội chợ, dung lượng thị trường Hà Nội rất tốt, nhất là đối với sản phẩm giò, chả. Hiện, sản phẩm của đơn vị cũng vào được hệ thống một số siêu thị tại Hà Nội…Việc HPA tổ chức Festival là cơ hội để doanh nghiệp có thể giới thiệu các sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng Thủ đô cũng như bạn hàng, đối tác. Đồng thời góp phần gắn kết 3 nhà gồm nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà tiêu dùng; giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình".

Xách trên tay túi đồ mua sau Lễ khai mạc Festival, bà Lê thị Hạnh (Vân Đình, Ứng Hòa) hồ hởi nói: "Tôi thường có thói quen đi chợ tại các chương trình hội chợ, festival bởi đến đây tôi được lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của các địa phương với chất lượng bảo đảm. Cùng với đó, tôi cũng được chứng kiến những sản phẩm làng nghề do chính tay các nghệ nhân làng nghề tạo ra rất điêu luyện và hấp dẫn".

Bà Hạnh cũng như nhiều người tiêu dùng Thủ đô mong muốn TP. Hà Nội tích cực tổ chức nhiều hội chợ, festival hơn nữa để người dân có điều kiện biết và mua sắm nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài Thủ đô.

Theo đại diện HPA, các chương trinh Festival được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống;

Đồng thời góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, gắn kết sản phẩm làng nghề với du lịch địa phương - Ảnh 3.

Người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm đặc sản làng nghề, OCOP địa phương. Ảnh: VGP/TL

Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và nhân dân các địa phương quảng bá tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương với du khách, tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định, các hoạt động xúc tiến đã góp phần tăng cường hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, tìm đầu ra bền vững cho hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, HPA sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới; tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức thành công, có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.  Hà Nội năm 2023; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động gắn kết khác.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; mở rộng, phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, tuần hàng… tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài; xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thành phố.

Có thể thấy, việc tổ chức các Chương trình Festival tiếp tục khẳng định vai trò của Trung tâm HPA trong việc phối hợp, hỗ trợ các huyện thực hiện các sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng được UBND Thành phố giao, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thùy Linh

Top