Cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP gắn kết du lịch
(Chinhphu.vn) - Những chương trình Festival sản phẩm nông sản, OCOP gắn kết du lịch năm 2022 được Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội tổ chức tại huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ và Ba Vì không chỉ là cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP mà còn giúp các địa phương gắn kết du lịch.
Nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP Cao Bằng tại chương trình Festival sản phẩm nông sản, OCOP gắn kết du lịch năm 2022, đại diện Công ty miến Cao Bằng cho biết, tham gia chương trình với mong muốn quảng bá, lan tỏa những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng Thủ đô; đồng thời kết nối để người dân hiểu thêm về địa phương mình, tạo cơ hội gắn kết du lịch giữa các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, nhân viên Công ty CP Ao Vua chia sẻ, đến với hội chợ công ty có thể mở rộng kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng các tour, tuyến kết hợp các làng nghề truyền thống của Ba Vì cũng như Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước. Qua đó mong muốn giới thiệu quảng bá khu chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng cho người già.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, Thành phố ban hành Kế hoạch về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và Kế hoach tổ chức "Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022". Chương trình với phương châm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
"Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, … có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống…", ông Nguyễn Ánh Dương khẳng định.
Đặc biệt, Festival có rất nhiều nội dung, hoạt động phong phú, tiêu biểu như, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống; quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các địa phương; quảng bá ẩm thực truyền thống; các hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc huyện Ba Vì, trưng bày, giới thiệu làng họa sĩ Cổ Đô...
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay, Ba Vì là huyện nằm ở phía Tây, cách Trung tâm thủ đô Hà Nội gần 60 km, có địa địa hình rất đa dạng và phong phú, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó nhóm ngành thương mại, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực, có cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch luôn được quan tâm xây dựng và là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung của huyện.
Trên địa bàn huyện có nhiều khu du lịch nổi tiếng và thân thiện với môi trường xanh, sạch, đẹp như: khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn Suối Ngà, Tản Đà Resort, Trang trại Đồng Quê,... có cụm di tích có kiến trúc độc đáo đã được xếp hạng di tích quốc gia như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, ... khu di tích lịch sử K9, Vườn Quốc gia Ba Vì, đã tạo nên bức tranh đẹp, trữ tình và nên thơ của núi rừng Ba Vì, là vành đai xanh, lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội.
"Chương trình Festival tại Ba Vì là sự động viên, khuyến khích rất kịp thời để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, sản xuất và du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì nói riêng và TP. Hà Nội nói chung với các tỉnh lân cận trong cả nước, nhằm góp phần mở rộng thị trường, tạo đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, chính trị-xã hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và làng nghề kịp thời nắm bắt các cơ hội để giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh hoà cùng xu thế phát triển của huyện, thành phố và đất nước", ông Hưng nói.
Đây cũng là dịp để nhân dân trong huyện và các vùng lân cận có cơ hội giao lưu, thăm quan, mua sắm các sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để phát triển bền vững Chương trình OCOP năm 2022 và những năm tiếp theo, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp: Hỗ trợ chủ thể sản xuất đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản chặt và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Festival sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá các điểm đến du lịch, các nét văn hóa dân tộc Dao, Mường, cùng đó là các mô hình nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, tiêu biểu của địa phương đến với khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Diệu Anh