Cơ hội kết nối, đưa mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ vào sản xuất

28/09/2022 10:41 AM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 7-9/10, tại Khu triển lãm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (thôn 1, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) sẽ tổ chức triển lãm sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2022.

Cơ hội kết nối, đưa mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ vào sản xuất - Ảnh 1.

Một số mẫu hàng thủ công mỹ nghệ được trưng bày năm 2021. Ảnh: VGP/BP

Triển lãm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn... sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất của nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm xuất khẩu.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo 2022 sẽ giới thiệu 600-700 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo và đưa ra thị trường 400-500 mẫu sản phẩm theo thiết kế mới hoặc sản phẩm phát triển từ các thiết kế mới được công nhận.

Với quy mô khoảng 3.000m2 bao gồm khu trưng bày sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế, chuyên gia trong ngoài nước và 100 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Triển lãm cũng là là cơ hội để từ đó đưa các thiết kế này vào sản xuất sản phẩm và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường.

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội. Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những hạn chế lớn nhất là khâu mẫu mã sản phẩm. Hiện, phần lớn các sản phẩm này mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, rất ít sản phẩm được thương mại hóa.

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều dư địa, việc tổ chức Triển lãm là cơ hội để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Phục vụ phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Thành phố, thu hút người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa.

Được biết, bên cạnh việc trưng bày triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo, Triển lãm còn giới thiệu một số hoạt động trình diễn nghề tiêu biểu một số ngành thủ công mỹ nghệ; tổ chức các hoạt động thăm quan thực tế, trao đổi trực tiếp kết nối các nhà thiết kế trẻ với các nghệ nhân, chuyên gia trong và ngoài nước với thực tiễn hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ.

Bích Phương

Top