Cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống đến với du khách
(Chinhphu.vn) - Hà Nội là cái nôi của thủ công mỹ nghệ, với nhiều làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam. Để chủ động quảng bá sản phẩm làng nghề Thủ đô đến du khách trong và ngoài nước, nhiều nghệ nhân làng nghề đã sản xuất ra các sản phẩm quà lưu niệm mang đậm dấu ấn SEA Games 31.
Là một trong những làng nghề được chọn đón tiếp khách tham quan, mua sắm, các cửa hàng kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đều được trang hoàng đẹp mắt.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, đây là cơ hội đối với làng lụa Vạn Phúc. Hiện, các cơ sở đang tập trung sản xuất quà tặng phục vụ khách tham quan và du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền về ứng xử văn minh, không chèo kéo mua bán làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề.
Được Sở Du lịch lựa chọn là 1 trong 4 điểm đến trọng điểm của Hà Nội nhân dịp SEA Games 31, những ngày này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm đang hối hả chuẩn bị các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ du khách.
Là cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng gốm sứ chất lượng cao, Hợp tác xã Gốm sứ Tân Thịnh thường xuyên được lựa chọn cung cấp sản phẩm cho các cơ quan Trung ương và Thành phố trong các kỳ cuộc có khách quốc tế đến thăm quan, làm việc.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân chia sẻ, trong mỗi sự kiện của Thủ đô và đất nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Bát Tràng đều mong muốn có các sản phẩm tham gia sự kiện. Mỗi đơn vị được nhận làm quà tặng là một niềm vui, niềm vinh dự vì vừa có doanh thu, vừa truyền tải được thông điệp của làng nghề đến với khách du lịch quốc tế.
Để phục vụ khách du lịch trong thời gian diễn ra SEA Games 31, các cơ sở sản xuất tại Bát Tràng đã chế tác ra nhiều sản phẩm đặc trưng làm quà lưu niệm, quà tặng cho các đoàn thể thao khi đến Việt Nam thi đấu và tham quan du lịch.
Ông Vũ Văn Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Việt cho biết, những ngày qua, công ty tất bật thiết kế các mẫu sản phẩm đồ gia dụng, đồ lưu niệm. Theo đó, thiết kế hình ảnh Sao La – linh vật và biểu tượng của SEA Games 31 để in lên các sản phẩm đĩa, bình, lọ… vừa để làm đồ trưng bày, vừa để cắm hoa; thiết kế các hình ảnh linh vật, biểu tượng của SEA Games 31 để in lên các sản phẩm mang tính ứng dụng cao như các loại ca sứ uống nước… Đây là những sản phẩm được khách du lịch rất yêu thích mỗi khi đến với làng nghề Bát Tràng.
Cũng với mong muốn quảng bá nghề truyền thống của Thủ đô, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) đã chế tác thủ công một bộ sưu tập gồm 31 linh vật sao la từ gỗ mít nguyên khối. "Với ý nghĩa thân thiện, nhanh nhẹn và hoạt bát, vừa phù hợp với tính chất của thể thao, vừa mang đặc trưng của đất Việt, linh vật Sao La sẽ món quà lưu niệm cho người hâm mộ quốc tế và Việt Nam tại kỳ SEA Games này", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có ý tưởng thực hiện bộ sưu tập này từ khi có thông tin SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội. Cách đây 2 tháng, anh và cộng sự bắt đầu hoàn thiện những tác phẩm đầu tiên, đến giờ đã hoàn thiện được 31 tác phẩm. Hiện tại, bộ sưu tập đang được bày bán tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).
Vừa qua, lãnh đạo Sở Công Thương đã làm việc với một số cơ sở làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng lưu niệm của Thủ đô. Tại đây, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan ghi nhận, các sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn SEA Games 31 được bày bán rất đa dạng. Trong đó, các sản phẩm thủ công đặc trưng của Hà Nội sẽ là những sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế khi đến Hà Nội tham dự và cổ vũ SEA Games 31.
"SEA Games 31 là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, thu hút khoảng 10.000 đại biểu, vận động viên, phóng viên quốc tế tham dự. Đây là cơ hội vàng để quảng bá điểm đến du lịch Thủ đô nói riêng và sản phẩm Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế. Đồng thời là dịp để Hà Nội khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Thùy Linh