Cơ hội thu hút đầu tư vào công nghệ số, phát triển kinh tế số

11/11/2024 1:25 PM

(Chinhphu.vn) - Với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, cùng nhiều lợi thế đặc thù, thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế số.

Cơ hội thu hút đầu tư vào công nghệ số, phát triển kinh tế số- Ảnh 1.

Người tiêu dùng tiếp cận công nghệ số tại kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số do HPA tổ chức. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Chú trọng thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh

Trong chương trình hành động của Chính quyền và người dân Thủ đô thì mục tiêu đặt ra là: "Chuyển đổi số TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với định hướng phấn đấu đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Chuyển đổi số được xác định là động lực giúp Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Trên nền tảng hiện có, đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại".

Có thể nói, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là nền tảng để TP Hà Nội hướng đến mục tiêu "số hóa" trên các lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Nhờ quyết liệt trong chuyển đối số nên hiện tại, Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Những thành quả bước đầu là động lực để chính quyền Hà Nội phấn đấu thực hiện tiếp các mục tiêu trọng điểm như: 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo về kinh tế-xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP. Hà Nội về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ và thành phố; 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm;…

Từ sự thay đổi ở chính quyền số, TP. Hà Nội cũng triển khai đồng bộ chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong đó, Thủ đô Hà Nội tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7%-7,5%, hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính riêng 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến thành phố Hà Nội ước đạt 5,11 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những kết quả tích cực trên cho thấy thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn nữa, với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, cùng nhiều lợi thế đặc thù, thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh phát triển bền vững và các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ hội thu hút đầu tư vào công nghệ số, phát triển kinh tế số- Ảnh 2.

Hà Nội tiển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Cần nhiều giải pháp phát triển kinh tế số

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tích cực hưởng ứng chủ trương này, rất cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực.

Đánh giá về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistics Cao Cẩm Linh nhận định, rào cản của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là những lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu, thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, là những khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ số và các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.

"Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số", bà Cao Cẩm Linh nêu rõ.

Về phía cơ quan nhà nước, bà Cao Cẩm Linh kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế và chính sách tài chính, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ (môi trường pháp lý linh hoạt, rút ngắn thời gian, giảm chi phí...).

Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho rằng, để chuyển đổi số thành công cơ quan nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ qua đó rút ngắn thời gian, giúp doanh nghiệp giảm chị phí. Đặc biệt cơ quan quản lý cần tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ, an ninh mạng quốc gia…

Rõ ràng, việc thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững là thực sự cần thiết. Nhưng để những giải pháp này phát huy tối đa hiệu quả, vẫn cần đến nhiều hơn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong hai tháng cuối năm 2024, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, xúc tiến đầu tư và kết nối. Những hỗ trợ này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với chuyển đổi số và phát triển bền vững…

Thùy Linh

Top