Còn khó khăn trong xử lý nước thải làng nghề

06/09/2022 4:24 PM

(Chinhphu.vn) - Đoàn Giám sát HĐND TP. Hà Nội yêu cầu rà soát các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải; đánh giá kỹ thực trạng quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải các cụm công nghiệp, làng nghề, để đưa ra giải pháp khắc phục bất cập.

Còn khó khăn trong xử lý nước thải làng nghề - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu tại cuộc giám sát - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 6/9, Đoàn Giám sát số 2 của HĐND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với các Sở: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công Thương và Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý thoát nước và xử lý nước tải trên địa bàn Thành phố.

Hiện có 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước

Theo báo cáo của Sở TN&MT, đối với tình hình thu gom và xử lý nước thải, thời gian qua Sở tập trung nguồn lực, tiếp tục khẩn trương thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày đêm, nguồn vốn ODA Nhật Bản do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm 4 gói thầu chính: Xây dựng nhà máy XLNT Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm; Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới. Dự kiến hoàn thành năm 2024.

Sở cũng triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; xây dựng Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.

Về xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, hiện 9/9 khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã có trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Về cụm công nghiệp (CCN), hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 70 CCN đang hoạt động, trong đó có 42 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Về tình hình thoát nước và xử lý nước thải tại làng nghề, hiện có 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ. Các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ, nước thải phát sinh từ các làng nghề (sinh hoạt và sản xuất) đều được thoát tự nhiên và xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương... của khu vực.

Một số nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề tập trung đã hoàn thành, như nhà máy Cầu Ngà tại huyện Huyện Hoài Đức có công suất 30.000 m3/ngàyđêm; xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, huyện Hoài Đức, vận hành từ năm 2016.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sơn Đồng tại Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Công suất: 8.000 m3/ngày đêm; xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề gây ô nhiễm khu vực các xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đến nay đã xây dựng xong nhà máy, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom đưa nước thải về nhà máy để xử lý; dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Tồn tại trong xử lý nước thải làng nghề được Sở cho biết là công nghệ sản xuất tại nhiều làng nghề chủ yếu là thủ công và bán thủ công, còn lạc hậu nên trong quá trình sản xuất còn phát sinh nhiều khí thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề đã được quan tâm và có đầu tư, cải tạo song còn hạn chế, do thiếu vốn, hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư nên đường thoát nước thải vẫn sử dụng theo đường thoát dân sinh, nguy cơ gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân cao. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải.

Đa số các cụm công nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý cụm công nghiệp, trong đó vấn đề môi trường cụm công nghiệp đã được Thành phố quan tâm, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ môi trương cụm công nghiệp. Trong đó, giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng: "Đề án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề gây ô nhiễm môi trường".

HĐND Thành phố đã ban hành các Nghị quyết về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường và hàng năm trong các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều xác định các chỉ tiêu đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, với việc quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại thì hầu hết các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp không đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông thường (trừ Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro), chất thải nguy hại tập trung phát sinh tại các cơ sở trong cụm công nghiệp.

Đa số các cụm công nghiệp không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, các doanh nghiệp thứ phát ký hợp đồng với đơn vị thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn. Có 11 cụm công nghiệp (đạt 15%) có khu tập kết chất thải chung (bao gồm chất thải rắn và chất thải nguy hại).

Rà soát 29 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương với chức năng nhiệm vụ quy định, đã tích cực tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có khu, cụm công nghiệp, làng nghề xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm thực hiện các mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Đối với Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông thôn, triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô tại QĐ số 725/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban QLDA được giao tổ chức triển khai thực hiện 27 dự án.

Đến nay có 8 dự án đã hoàn thành, 8 dự án chuyển tiếp đang thi công, 11 dự án giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư. Trong 8 dự án đã hoàn thành, nhiều dự án đóng góp vai trò quan trọng thoát nước của Thành phố.

Đã có 41/41 CCN đang hoạt động ổn định phù hợp quy hoạch đã được đầu tư xây dựng hoàn thành hoặc đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, đối với các CCN xây dựng mới đều có quy hoạch trạm xử lý nước thải tập trung.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, các sở ngành cần đánh giá kỹ thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố, chú ý yếu tố lịch sử ở các cụm công nghiệp, làng nghề, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục bất cập, xác định nhiệm vụ đến 2025 và 2030.

Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ 29 cụm công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải, phân tích để xây dựng lộ trình, cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp thực tế, cần thiết tiếp tục đầu tư ở cụm nào và cụm nào không cần thiết phải đầu tư. Đồng thời, đề nghị sở, ngành rà soát lại toàn bộ quy hoạch, đánh giá kỹ về chế tài, cần thiết phải tham mưu tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là liên quan đến cơ chế chính sách để đề xuất với Thành phố.

Gia Huy

Top