Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô

09/10/2024 3:16 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Góp phần vào thắng lợi đó, không thể không nhắc đến những đóng góp lớn của lực lượng Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 1.

Tạo chướng ngại vật để ngăn bước tiến của quân giặc. Ảnh: Tư liệu

Tích cực đấu tranh với âm mưu phá hoại của địch

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhìn lại những đóng góp của lực lượng Công an Hà Nội. Thông qua tư liệu của Công an Thành phố, chúng ta có thể nhìn lại  sự đóng góp đáng tự hào Của công an thành phố cùng các lực lượng, các tầng lớp nhân dân đã chiến đấu để bảo vệ và tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954.

Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tiền thân của Công an Hà Nội ngày nay) đã nhanh chóng sắp xếp tổ chức, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 6/1946, Ty Công an Hà Nội được thành lập và từng bước trưởng thành. Quá trình chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô, Công an Hà Nội đã dần khẳng định vai trò, vị thế của mình, trở thành một trong những lực lượng vũ trang nòng cốt bảo vệ Thủ đô.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 2.

Ngày 19/12/1946 Phát lệnh toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)

Đêm 19/12/1946, đáp “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an Hà Nội, được bố trí từ trước ở các địa bàn trọng yếu, đã đánh trả quyết liệt các mũi tiến công của thực dân Pháp. Đội liên lạc đặc biệt gồm 16 đồng chí, trong đó có 06 đồng chí là công an, vượt qua các chiến lũy của kẻ thù, điều tra các vị trí đóng quân của chúng, làm giao thông liên lạc để truyền chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên cho các đơn vị chiến đấu.

Công an quận Hàng Trống dũng cảm chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Pháp, diệt 19 tên, đốt cháy 2 xe bọc thép, phá hủy 1 xe tăng. Công an Hàng Đậu góp phần bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của địch từ Cửa Bắc đánh lên cầu Long Biên, diệt 70 tên, buộc chúng phải rút vào thành. 

Trong 60 ngày đêm, Công an Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ đội, Tự vệ thành phố, chiến đấu kiên cường “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, giam chân địch; tiêu diệt và bắt sống 500 tên, phá hủy hơn 30 xe cơ giới; bảo vệ các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương rút về căn cứ an toàn. Các lực lượng tam thời rút lui, mang theo một quyết tâm lớn: sẽ chiến đấu hết sức mình để sớm quay trở về dành lại Thủ đô yêu quý.

Qua 9 năm kháng chiến, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội chủ yếu hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm, công việc bảo đảm trật tự trị an của một Thành phố lớn là một nhiệm vụ hết sức mới mẻ. Tuy nhiên, với quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an toàn các lực lượng vào tiếp quản Thủ đô, từ những tình hình tổng hợp được, dưới sự hướng dẫn của Bộ Công an và sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy, Công an Hà Nội đã hoàn chỉnh kế hoạch tiếp quản của lực lượng, sát với thực tế của Thành phố lúc đó.

Thời gian này, cán bộ Công an Hà Nội hoạt động nội thành đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng trực diện đấu tranh với địch để giữ gìn, bảo vệ máy móc, phương tiện ở các xí nghiệp, công sở, không cho chúng phá hoại hoặc tháo dỡ đưa ra khỏi Hà Nội… Tổ chức đấu tranh chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam, trong đó đặc biệt chủ động vận động số nhân sĩ trí thức và công chức trong bộ máy hành chính của chế độ cũ ở lại, để bảo đảm hoạt động bình thường của Thành phố sau ngày tiếp quản.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 3.

Cảnh sát Hà Nội biểu dương lực lượng ( tháng 6/1954) - Ảnh tư liệu

Bộ phận cán bộ Công an ở vùng tự do cũng phải làm việc rất căng thẳng với cường độ cao. Trừ số quản lý kho tàng, vẫn ở lại địa điểm cũ, còn tất cả các đơn vị đều phải liên tục di chuyển để tiếp cận nội thành, theo phạm vi vùng tạm chiếm của địch thu hẹp dần.

Ngoài việc nghiên cứu tổng hợp tình hình địch kịp thời, Công an Hà Nội còn phải đảm đương nhiều việc khác cũng hết sức cấp bách như giáo dục số cảnh binh của chế độ cũ, mới được đưa từ nội thành ra để sử dụng vào công tác tiếp quản; tiếp nhận số cán bộ chiến sĩ mới được bổ sung từ các nơi điều về, sắp xếp tổ chức biên chế lực lượng của Sở Công an khi vào tiếp quản Thành phố; huấn luyện các lực lượng phục vụ công tác tiếp quản….

Thành tích xuất sắc của Công an Hà Nội thời điểm này là cung cấp được những tin, tài liệu chính xác cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phía phái đoàn Pháp ở Phủ Lỗ (Đông Anh) về trao trả tù binh, về âm mưu hành động tháo dỡ máy móc chuyển vào Nam, âm mưu cho bọn phản động phá hoại, gây rối khi quân ta vào tiếp quản…; vận động và đưa ra vùng tự do mấy trăm cảnh binh và sử dụng họ trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông khi mới vào tiếp quản Thành phố; vận động, thuyết phục được hàng trăm viên chức các ngành trong bộ máy địch, nhất là số nhân sĩ trí thức, ở lại không theo địch di cư vào Nam, đã có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị.

Song song với việc đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu phá hoại việc tiếp quản Thành phố của địch, Công an Hà Nội còn phải làm tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ nội bộ, vô hiệu hóa âm mưu, ý đồ của địch xâm nhập vào vùng tự do để điều tra tình hình nội bộ và lợi dụng một số thân nhân cán bộ kháng chiến để lôi kéo số cán bộ tư tưởng không vững vàng, bỏ vào nội thành, theo gia đình di cư vào Nam…

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 4.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thức - Trưởng phòng Trị an dân cảnh - đơn vị đảm nhiệm mọi mặt công tác trật tự trị an của Thành phố trong và sau tiếp quản. Ảnh: tư liệu

Ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Cụm cứ điểm Điện Biên Phủ, biểu tượng của sức mạnh quân sự đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một chiến thắng vĩ đại giữa lúc Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, đưa cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới. Công an Hà Nội lại đứng trước nhiệm vụ mới, nặng nề nhưng vô cùng vinh quang, chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

Đầu tháng 8/1954, tại làng Phú Xuyên, vùng tự do thuộc huyện Thường Tín, Thành ủy tổ chức hội nghị mở rộng về việc xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp quản Thủ đô. Trong đó, Công an Hà Nội được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng mở rộng màng lưới bí mật, bảo đảm phát hiện kịp thời âm mưu phá hoại của địch đối với việc tiếp quản Thành phố.

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công tác tiếp quản Thủ đô

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 5.

Các lực lượng sẵn sàng chuẩn bị làm thủ tục bàn giao. Ảnh tư liệu của Công an TP. Hà Nội

Để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, trong phiên họp ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Thành phố do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch. Hội đồng Chính phủ cũng chỉ thị cho Bộ Công an cùng Công an Hà Nội phối hợp chặt chẽ với 2 sư đoàn của Bộ Quốc phòng, tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô những ngày đầu tiếp quản, chống địch phá hoại.

Trước tình hình đó, Công an Hà Nội xác định nhiệm vụ cho các lực lượng tiếp quản là ngăn ngừa và kịp thời trấn áp bọn đang phá hoại trật tự cách mạng, chống lại Chính phủ để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân và bảo vệ các cơ quan, kho tàng, xí nghiệp của quốc gia, nhanh chóng khôi phục trật tự xã hội.

Các mặt công tác tiếp quản của Công an được triển khai thực hiện theo phương châm:"Giữ vững kỷ luật, chấp hành đúng chính sách, đề cao cảnh giác, thận trọng, chắc chắn và khẩn trương khôi phục trật tự xã hội, gây tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân".

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Công an Hà Nội đã tổ chức cho các lực lượng học tập về tình hình nhiệm vụ mới, về phương châm công tác tiếp quản, về 8 chính sách đối với Thành phố mới giải phóng, về 10 điều kỷ luật đối với những cán bộ, nhân viên, quân nhân vào tiếp quản, được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ. Kế hoạch công tác được triển khai đến từng bộ phận, từng ban, đội và toàn thể cán bộ chiến sĩ.

Đến cuối tháng 9/1954, các kế hoạch tiếp quản đã được tổng duyệt lại, các lực lượng, các bộ phận đã sẵn sàng đi vào thực hiện những phần việc được phân công.

Sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội về quân sự và hành chính, trật tự được ký kết vào các ngày 30/9/1954 và 2/10/1954 ở hội nghị Phủ Lỗ. Liền theo đó, các lực lượng Công an Hà Nội đã triển khai quân vào Thành phố làm các thủ tục để nhận bàn giao. Đến đầu tháng 10/1954, công tác chuẩn bị tiếp quản đã hoàn tất, quân và dân Thủ đô đã sẵn sàng hướng về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Giữ vững an ninh trật tự Thủ đô, tạo niềm tin với nhân dân

Sáng sớm ngày 9/10/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản: "Phải đoàn kết chặt chẽ giữa các lực lượng, đoàn kết chặt chẽ với đồng bào để giữ vững an ninh trật tự Thủ đô, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 Điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, luôn luôn nâng cao cảnh giác, bồi dưỡng ý chí chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại". Cùng ngày, Ủy ban Quân chính Thành phố cũng ra Thông cáo gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ Thủ đô.

Ngày 9/10/1954, các tổ tự vệ-Công an nội thành đã dẫn đường cho đợt tiến quân thứ nhất của Bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản Thành phố. Cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô được khởi hành thống nhất vào đúng 5h45'. Các công sở, vị trí quân sự trong nội thành được tiếp thu hoàn tất vào 10h30'.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 6.

Tiếp quản Ty Cảnh sát Thành phố (nay là trụ sở CAQ Hoàn Kiếm). Ảnh: tư liệu

Song song với cuộc tiến quân tiếp quản nội thành, ở ngoại thành, các đội hành chính trật tự cùng với các đơn vị bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận hành chính là Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi và Ngã Tư Sở; cuối cùng, đến 11h, tiếp quản xong Đại lý Hoàn Long.

Từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự; từng thôn xã, đường phố được tiếp quản đến đâu thì bộ đội, công an, tự vệ và công nhân cùng lực lượng hành chính của Ủy ban Quân chính triển khai ngay việc canh gác, tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tài sản nghiêm ngặt đến đó.

Đúng 18h, tốp lính Pháp cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên rời khỏi vị trí, đi sau cùng đội quân bại trận rút vĩnh viễn khỏi Hà Nội.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 7.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (Chủ tịch Ủy ban Quân chính) và Bác sĩ Trần Duy Hưng (Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính) dẫn đầu đoàn quân tiến về Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

Đúng 8h sáng ngày 10/10/1954 cuộc tiến quân thứ hai theo đội hình diễu binh của Đại đoàn quân Tiên phong (F308) tiến vào nội thành theo hai hướng, gặp nhau tại trung tâm Thủ đô là Hồ Gươm. Dẫn đầu đoàn Ủy ban Quân chính Thành phố có Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính; Bác sĩ Trần Duy Hưng phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính; tiếp theo là Bộ tư lệnh Đại đoàn 308, có Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Vũ Yên; tiếp đến là các đơn vị Bộ đội bộ binh, cơ giới, pháo binh, cao xạ... Đại diện cho đội quân chiến thắng là Trung đoàn Thủ đô, đi đầu hàng quân là Trung đoàn trưởng anh hùng Nguyễn Quốc Trị, rồi đến các đơn vị của Trung đoàn 36, 88.

Công an Hà Nội - Lực lượng nòng cốt tham gia tiếp quản Thủ đô- Ảnh 8.

Chuẩn bị Lễ mít tinh, báo cáo thắng lợi của “Ngày tiếp quản” - Ảnh tư liệu

Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, nhân dân Hà Nội áo quần tề chỉnh, đẹp đẽ như ngày hội, tay cầm cờ hoa rực rỡ, đứng chật hai bên đường phố, vẫy chào đón mừng Chính quyền và Quân đội cách mạng. Qua nhiều đoạn đường phố, nhân dân đã ùa xuống lòng đường tặng hoa, bắt tay, ôm hôn nồng nhiệt cán bộ, chiến sĩ bộ đội mà họ đã xa cách 9 năm trường.

Đúng 15h, còi Nhà Hát Lớn nổi lên một hồi dài, lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ Quốc được trao cho Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, từ từ kéo lên đỉnh cột cờ của thành Thăng Long cổ kính cùng với tiếng nhạc tiến quân ca hào hùng làm rộn rã hàng vạn trái tim của người Hà Nội trong ngày đầu được giải phóng.

Cuộc mít tinh và duyệt binh long trọng tại sân vận động Cột Cờ đơn giản và trang nghiêm. Lời thề "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" 9 năm về trước của nhân dân Hà Nội, của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, của Liên khu I, của chiến sĩ Trung đoàn An Giao và của Liên khu 2.., trong đó có những chiến sĩ trinh sát Công an Bắc Bộ, công an xung phong, cảnh sát xung phong và cảnh sát trật tự... lời thề thiêng liêng đó hôm nay- ngày 10/10/1954- đã thực hiện trọn vẹn với Thủ đô.

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô Hà Nội. Nhìn lại những đóng góp của lực lượng Công an Hà Nội cho sự kiện này để thêm tự hào về truyền thống anh hùng của Công an Hà Nội nói riêng, của quân và dân Thủ đô nói chung.

Minh Anh

Top