Công nghiệp hỗ trợ: ‘Mắt xích’ kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu

15/02/2022 12:36 PM

(Chinhphu.vn) - Công nghiệp hỗ trợ chuyên cung ứng các sản phẩm, linh kiện là đầu vào cho công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, có thể coi đây là “mắt xích” quan trọng kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu. Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ: ‘Mắt xích’ kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu - Ảnh 1.

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Là đơn vị sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và thương mại Việt Nam Đỗ Quang Vinh cho biết, riêng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chi phí của công ty tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với đó, chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị đứt gãy, gây khó khăn cho sản xuất.

Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Quang thông tin, nhu cầu của thị trường giảm buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2021, chưa kể khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay ngân hàng… dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai những dự án mới của doanh nghiệp.

Đồng hành với doanh nghiệp, TP. Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với kế hoạch cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và từng năm. Theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, đến cuối năm 2021, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 3 lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện - điện tử, lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo; phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Định hướng trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước.

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, do chủ yếu có quy mô nhỏ, thiếu năng lực tài chính nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao của chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên nhiều lĩnh vực sản xuất là thế mạnh của Việt Nam, như: Dệt may, da giày… chưa tự chủ được đầu vào. Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi dịch COVID-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp đứt gãy sản xuất, lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, về giải pháp hỗ trợ cụ thể, Thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội chợ chuyên đề hằng năm kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Thành phố cũng hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ quan tâm hỗ trợ thực chất nhất, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phát triển.

Chia sẻ về nội lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Đàm Tiến Thắng cho biết, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có doanh nghiệp không thành công. Điều đó đặt ra vấn đề là phải hình thành tập đoàn, doanh nghiệp nội địa đầu đàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Mặt khác, doanh nghiệp nào đã tham gia vào chuỗi sản xuất đa quốc gia, đều nhận được rất nhiều ưu ái, hỗ trợ, được tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ, giám sát quá trình sản xuất. Công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sản xuất cho các hãng lớn, như: Toyota, Honda… có thể nói đạt tầm quốc tế. Còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho doanh nghiệp trong nước, yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn có thấp hơn. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho những ngành kinh tế chính, sản xuất sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy muốn tồn tại bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.

Ông Thắng cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Thành phố, các doanh nghiệp phải tự lớn lên, căn cứ vào công nghệ hiện có của mình, căn cứ vào kiến thức học hỏi từ những nhà đầu tư nước ngoài, tự tạo ra một sản phẩm hoặc liên kết tạo ra nhóm sản phẩm hoàn thiện.

Thực tế, dịch COVID-19 gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng mang đến cơ hội khi chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu dịch chuyển, mà Việt Nam là một trong những điểm đến. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ nhau cùng sản xuất, cùng đa dạng sản phẩm, cùng hình thành chuỗi sản xuất trong nước chuyên sâu gắn kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo ra sức mạnh, phát huy vai trò kết nối và lan tỏa của công nghiệp hỗ trợ.

Diệu Anh

Top