Công nghiệp Thủ đô với bước chuyển mình mạnh mẽ
(Chinhphu.vn) - Với hàng loạt kế hoạch đột phá, từ thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm công nghệ cao, đến hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra toàn cầu, ngành công nghiệp Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Vai trò nòng cốt tạo động lực tăng trưởng bền vững
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Hà Nội luôn xác định công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ là những lĩnh vực ưu tiên, đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 204-KH/TU của Thành ủy Hà Nội, Sở Công Thương đã tham mưu UBND Thành phố triển khai "Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên giai đoạn 2021–2025". Theo đó, Thành phố tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh cao, tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, thiết bị điện-điện tử, công nghệ sinh học, dược phẩm, và chế biến nông sản.
Giai đoạn đến năm 2030, Hà Nội định hướng ưu tiên các ngành công nghệ tiên tiến như công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, và công nghệ thông tin, viễn thông.
Sau năm 2030, trọng tâm chuyển sang các ngành công nghiệp thế hệ mới như tự động hóa, vật liệu cao cấp và công nghệ sinh học. Đây là những lĩnh vực dự báo sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung.
Nhờ những nỗ lực trên, từ năm 2021-2024, Hà Nội đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2024, Thành phố đã công nhận 289 sản phẩm công nghiệp chủ lực, vượt xa mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.
Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của Thủ đô.
Nhiều giải pháp "tiếp sức" cho doanh nghiệp
Song song với phát triển công nghiêp chủ lực, TP. Hà Nội cũng định hình công nghiệp hỗ trợ là mảng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ðến nay, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ôtô, xe máy.
TP. Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ðể đạt được con số này, TP. Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Vừa qua, gần 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, ký kết các hợp đồng giao dịch tại "Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2024".
Các đơn vị đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Cùng với đó, Hà Nội đã tổ chức động thổ, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 27 cụm công nghiệp trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước có ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, điện-điện tử, công nghệ thông tin… để thu hút hợp tác đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Ngoài ra, Hà Nội đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nổi bật là việc ký kết thỏa thuận hợp tác với đoàn 10 doanh nghiệp ngành hàng không vùng Kobe, Nhật Bản, nhằm thành lập tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản tại khu công nghiệp Hanssip. Các đoàn công tác từ Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã có những buổi làm việc với Sở Công Thương để tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường…
Nhờ những nỗ lực này, đến nay Hà Nội đã có gần 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số doanh nghiệp tiêu biểu bao gồm Công ty CP Avimex (robot công nghiệp), Công ty CP TCI Precision (gia công chi tiết máy), và Công ty CP JK Việt Nam (thiết bị cơ khí chính xác)…
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, trong đó, có 40% số doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Lực lượng này góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành công nghiệp Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn như thiếu vốn và công nghệ; việc thiếu nhân lực chất lượng cao cũng đang là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành; vướng mắc về cơ chế, chính sách;…
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực như tổ chức hội thảo, tập huấn, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu để nâng cao năng lực sản xuất.
Đồng thời, Thành phố đang xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn hơn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào các khu công nghiệp.
Với những định hướng chiến lược, nỗ lực đồng bộ từ chính quyền và doanh nghiệp, ngành công nghiệp Hà Nội đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.
Diệu Anh