Cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông là phải quản lý phương tiện cá nhân

05/12/2024 5:48 PM

(Chinhphu.vn) - Liên quan vấn đề giảm ùn tắc giao thông, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, vấn đề cốt lõi trong xử lý ùn tắc giao thông là phải quản lý phương tiện cá nhân.

Cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông là phải quản lý phương tiện cá nhân- Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn đề nhức nhối ở Hà Nội nhiều năm qua. Ảnh minh họa

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 4/12, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nói về giải pháp đầu tư cho hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đều nhắc đến hai nội dung là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Liên quan vấn đề giảm ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, vấn đề cốt lõi trong xử lý ùn tắc giao thông là phải quản lý phương tiện cá nhân. Trước đây, Thành phố xử lý vấn đề này chưa tới, còn theo cách "nhìn dư luận".

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm Thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ "thả rông" như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông", ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh và cho rằng đã đến lúc phải có giải pháp quản lý để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân.

Về hạn chế khí thải nhà kính từ phương tiện giao thông, ông Thường cho hay Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nội dung này đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua và UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt.

"Chúng ta có đề án rồi nhưng để thực hiện được thì phải sửa một loạt các vấn đề liên quan đến quy phạm pháp luật để đi vào cuộc sống. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có tờ trình về vấn đề này", ông Thường cho biết.

Theo ông Thường, lượng phát thải khí nhà kính của phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy trên địa bàn TP. Hà Nội là rất lớn, chiếm tới 50%-60%.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 4/2024, tổng số phương tiện giao thông tại Hà Nội là hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu mô tô. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm tuổi chiếm 72,58%.

Bích Phương

Top