Cử tri kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường

05/12/2024 5:56 PM

(Chinhphu.vn) - Cử tri một số quận, huyện của Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy; xử lý nghiêm các làng nghề, cơ sở chế biến, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường… gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cử tri kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Đông Anh - Ảnh: HNP

Trong tuần qua, các tổ đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đang thực hiện tiếp xúc cử tri các quận, huyện, thị xã để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri TP. Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, nên tại kỳ họp, nhiều dự án luật được thông qua có tác động sâu rộng, trực tiếp đến các quyền lợi của người dân, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)…

Cử tri các quận, huyện, thị xã nêu phản ánh chủ yếu liên quan đến đời sống như: Đề nghị quan tâm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn; có cơ chế đặc thù để giải quyết dứt điểm về giao đất dịch vụ…

Cử tri các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy; kiên quyết và xử lý nghiêm các làng nghề, cơ sở chế biến, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của Nhân dân…

Cử tri cũng phản ánh, nhiều làng nghề của huyện Hoài Đức xả nước thải sản xuất không qua xử lý, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước dòng sông Đáy, ảnh hưởng cuộc sống người dân vùng hạ du. Đặc biệt, tình trạng đốt rác thải của một số người dân ở xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp ảnh hưởng sức khỏe của người dân thôn Ba Nhà (xã Yên Sơn)...

Còn cử tri huyện Gia Lâm nêu ý kiến, trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Luật Đất đai 2024 "những trường hợp phần diện tích đất ở còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh, mà người sử dụng đất không đồng ý thu hồi phần diện tích còn lại" gây khó khăn khi tổ chức thực hiện, do không biết đối với những trường hợp này có đủ điều kiện giao đất tái định cư hay không. Cử tri kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, có ý kiến đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn đối với trường hợp này.

Cử tri huyện Sóc Sơn kiến nghị một số nội dung ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển của huyện như: Mở rộng đường giao thông đoạn từ thị trấn đi Bắc Phú kết nối đường 3B và nút giao cầu Xuân Cẩm; cải tạo nâng cấp đường băng cũ trên địa bàn xã Hiền Ninh, Quang Tiến; giải quyết cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn…

Ngoài ra, cử tri huyện Chương Mỹ đề nghị nghiên cứu cơ chế đặc thù, ưu đãi đối với bà con nông dân sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng trồng cây, nuôi con theo hướng tự phát, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát để Luật Hợp tác xã năm 2023 đi vào thực tiễn, nhất là nội dung liên quan chính sách đất đai, chuyển giao công trình kết cấu hạ tầng của Nhà nước cho hợp tác xã quản lý, khai thác…

Cử tri kiến nghị sớm văn bản hướng dẫn thi hành các Luật

Cử tri các phường Yên Nghĩa, Đồng Mai (quận Hà Đông) nêu những khó khăn của người dân khi một số quy hoạch, đề án về giao thông, xây dựng, chuyển đổi, giao đất dịch vụ trên địa bàn chưa có hướng dẫn và giải quyết triệt để. Cử tri mong muốn sớm có hướng dẫn và cơ chế đặc thù để giải quyết dứt điểm.

Còn quận Hoàng Mai kiến nghị, từ ngày 1/7/2021 các chức danh cán bộ công chức UBND phường đã được quy định. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ đang làm việc tại khối Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, chế độ lương chưa đảm bảo và không được tăng lương như công chức.

Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét điều chỉnh chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ theo quy định tại Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 của Quốc hội khóa 15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) và quy định khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị các quận nội thành Hà Nội (từ ngày 1/7/2021), để đội ngũ cán bộ này yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.

Cử tri quận Hoàng Mai cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp vừa qua đã khắc phục được một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế sớm đi vào cuộc sống, cử tri đề nghị Quốc hội sớm chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện để thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám đã hoàn thiện hơn về công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương, vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội sớm chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện để thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành nhằm tránh chờ đợi và tạo thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Sau khi nghe các kiến nghị của cử tri, các Tổ đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị của cử tri và chuyển đế các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sớm trả lời cử tri.

Hòa An


Top