Cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan quản lý đất đai

28/04/2022 3:14 PM

(Chinhphu.vn) - Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội với 3 quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, cử tri đã nêu các kiến nghị liên quan đến quản lý đất đai, y tế, giáo dục thúc đẩy các dự án “treo”…

Cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan quản lý đất đai - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trả lời kiến nghị cử tri - Ảnh: VGP/Hòa An

Sáng 28/4, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 3 quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Cử tri đề nghị thu hồi dự án từ 10-20 năm chưa triển khai

Nhiều kiến nghị được cử tri nêu liên quan đến đời sống dân sinh, y tế, giáo dục, quản lý đất đai…

Tại buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Nguyễn Ngọc Tuấn (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đề nghị cần có đánh giá tổng rà soát về kết quả triển khai việc thực hiện kế hoạch sử dụng và quy hoạch sử dụng đất hiện nay. Đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các xã, huyện được chuyển thành phường, quận theo Nghị quyết của Quốc hội đã trên 20 năm, không được chuyển đổi thành đất đô thị mà vẫn là đất nông nghiệp gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng của người dân, nay đang vướng mắc, bất lợi cho người sử dụng đất.

Cử tri Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị cần có giải pháp, quyết sách về giải quyết các bất cập về quản lý các dự án "treo", cụ thể là dự án "Khu đô thị thành phố giao lưu" ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Cử tri Nguyễn Thị Oanh (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) đề nghị cho thu hồi hoặc chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án đã được giải phóng mặt bằng từ 10 đến 20 năm, chưa triển khai, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đô thị. Cụ thể là các dự án dự án N14, N15, N17, N18 đường Lê Văn Lương; Công viên hồ điều hòa khu Nam Trung Yên, Dự án 218 Trần Duy Hưng, dự án 48 Trần Duy Hưng...

Còn cử tri Nguyễn Tiến Hưng (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) đề nghị Quốc hội có ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, chỉ đạo các cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ Dự án đất giãn dân trên địa bàn phường Xuân Phương, Phương Canh được triển khai từ những năm 2001, đến 2011 đã thu tiền của nhân dân đến nay chưa triển khai được do vướng mắc về chính sách (Luật Đất đai năm 2013 không có quy định về đất giãn dân).

Cử tri cũng nêu đề nghị xem xét khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ Sông Nhuệ thuộc phường Cầu Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Nếu ổn định và đủ điều kiện thì cử tri kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và cho phép các hộ dân được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng nhà ở vì đã ở từ lâu qua nhiều thế hệ nên xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm đến an toàn tính mạng của người dân.

Vào cuộc để xử lý dứt điểm dự án chậm triển khai

Phát biểu tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tiếp thu, trả lời các ý kiến liên quan đến dự án "Khu đô thị thành phố giao lưu", khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ Sông Nhuệ thuộc 2 phường Cầu Diễn, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); nêu một số những vướng mắc chậm triển khai Công viên hồ điều hòa khu Nam Trung Yên, Dự án 218 Trần Duy Hưng, dự án 48 Trần Duy Hưng...

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho rằng, việc tồn tại đất nông nghiệp trong các phường là bất cập, từ xã thành phường thì đất cũng cần quy hoach phải đồng bộ chính sách về sử dụng đất đô thị. Tuy nhiên, liên quan đến lịch sử, nguồn gốc đất nên việc xác nhận có khó khăn, nên chậm. Thời gian tới, UBND Thành phố chỉ đạo rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập này.

Phát biểu tiếp thu các vấn đề cử tri nêu, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, kỳ họp thứ ba tới của Quốc hội sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung, các dự án Luật; đặc biệt là xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Về các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị lãnh đạo các quận và UBND Thành phố tiếp thu, rà soát, tổng hợp, phân loại để chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, hiệu quả. Đặc biệt đối với các dự án chậm triển khai, thành phố đã có các giải pháp, vì thế tới đây các quận, huyện cần vào cuộc quyết liệt để triển khai giải pháp xử lý dứt điểm.

Theo Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian qua thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, chăm lo tốt cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong điều kiện phòng chống dịch, thành phố đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, đồng thời đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045; triển khai lập Quy hoạch thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết thi hành Luật Thủ đô và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi Luật; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4...

Vừa qua, HĐND Thành phố đã ban hành nghị quyết quan trọng về 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về giường bệnh/vạn dân, tu bổ di tích, chăm lo cơ sở vật chất giáo dục và thành phố cũng sẽ chú trọng vào chất lượng, quản lý sau đầu tư và việc tu bổ các di tích đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

HĐND Thành phố cũng tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, hi vọng sự lan toả tinh thần đổi mới của các cơ quan dân cử từ thành phố tới cơ sở thời gian tới.

Hòa An

Top