Cùng cam kết đẩy mạnh các dự án phát triển đô thị

25/10/2022 6:18 PM

(Chinhphu.vn) - Các đơn vị của TP. Hà Nội vừa ký cam kết để đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu về phát triển và mở rộng đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; triển khai các công trình, dự án cấp thoát nước và xử lý nước thải, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ…

Cùng cam kết đẩy mạnh các dự án phát triển đô thị - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/GH

Chiều 25/10, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì giao ban về Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" nhằm đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2022; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và tổ chức ký kết thi đua quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch.

Hoàn thành khung cơ chế chính sách đặc thù cải tạo chung cư cũ

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, 9 tháng năm 2022, Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai thực hiện tại dự án xử lý nước thải, rác thải, giao thông quan trọng như: Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); chỉ đạo quyết liệt công tác cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn.

Trong công tác phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Thành phố tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đã tổ chức ký giao ước thi đua và triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đã hoàn thành, thông xe dự án hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông (giao thông thông minh) đảm bảo hiệu quả, triển khai các thủ tục để lắp đặt hệ thống trạm cân kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn thành phố.

Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản hoàn thành như: "Hoàn thành xây dựng 2-3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn";"Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ".

Một số chỉ tiêu khác cũng đã thực hiện đạt kết quả như: "Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại" (hoàn thành cơ chế đặc thù); chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954".

Một số chỉ tiêu khó đã được Ban chỉ đạo Chương trình tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thực hiện như: Đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%,…

Cụ thể, về tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn các quận giai đoạn 2022-2025; rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thực hiện rà soát, dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình kiến trúc tiêu biểu, các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa tại nội đô lịch sử (Khu vực Hoàng thành Thăng Long – Bảo tàng Lịch Sử, Cột cờ Hà Nội; khu vực công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận, khu vực Cầu Long Biên và 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam Cầu Long Biên,…).

Đến nay, về tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 14/15 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai.

Các đơn vị cam kết Hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trách nhiệm chủ trì. Đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển và mở rộng đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; tập trung triển khai các công trình, dự án cấp thoát nước và xử lý nước thải, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, công viên, vườn hoa, tuyến đường phố, công trình có giá trị kiến trúc…; các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ.

Cùng cam kết đẩy mạnh các dự án phát triển đô thị - Ảnh 2.

Ký cam kết thi đua thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội - Ảnh: VGP/GH

Tập trung vào các chỉ tiêu khó trong chỉnh trang, phát triển đô thị

Việc ký cam kết để tập trung hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và sau khi rà soát toàn bộ các nội dung của chương trình trên toàn thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy đã tổ chức để các quận, huyện, thị xã và các Ban Quản lý dự án chuyên ngành của thành phố ký cam kết thi đua thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát

Các đơn vị cũng nhất trí việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Tăng cường sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ các phương pháp, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời động viên khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá các sở, ngành và các cấp vào cuộc tích cực, trong đó nhiều đơn vị cấp huyện có cách làm hay như quận Hoàn Kiếm chỉnh trang tuyến phố, cải tạo biệt thự cũ; quận Ba Đình xây dựng phố ẩm thực; quận Hai Bà Trưng xây dựng tuyến phố đi bộ; các huyện Gia Lâm, Đông Anh đang tích cực triển khai lộ trình lên quận; thị xã Sơn Tây triển khai phố đi bộ;…

Tuy nhiên, thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện 19 chỉ tiêu; cần tiếp tục tập trung vào thực hiện các chỉ tiêu khó, lan toả mạnh mẽ kinh nghiệm từ thành phố tới cơ sở.

Sở Xây dựng, Sở Tài chính tham mưu để hoàn chỉnh các cơ chế chính sách cho nhiệm vụ của chương trình. Với tinh thần khí thế sau ký kết thi đua, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả nhất nội dung chương trình đề ra.

Gia Huy

Top