Cuộc đoàn tụ 'kỳ diệu' giữa lòng Thủ đô sau hơn 57 năm thất lạc gia đình
(Chinhphu.vn) - Ngày 24/3/2025, Tổ công tác của Công an phường Cửa Nam đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực ga Hà Nội thì nhận đuợc lời đề nghị hỗ trợ của bà Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại Bắc Giang) về việc tìm lại gia đình đã thất lạc hơn 57 năm qua.

Hàng chục năm dài đằng đẵng tìm con của gia đình ông Nghiêm. Ảnh: VGP/Phú Khánh
Theo Đại úy Vũ Văn Khoa - Cán bộ Cảnh sát hình sự Tổ công tác Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), khi nhận được lời đề nghị của bà Thủy, Tổ công tác đã đưa bà về Công an phường Cửa Nam. Trao đổi trực tiếp với Tổ công tác, bà Thủy cho biết: Năm 1968, bà Thủy (khi ấy mới 18 tháng tuổi) đi lạc ở ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) và được bố mẹ nuôi đưa về nuôi dưỡng, nhiều năm qua, bà Thủy luôn hy vọng sẽ tìm gặp nguời thân của mình.
Nhưng vì lúc đấy còn quá nhỏ, bà Thủy không nhớ đuợc thông tin gì về bản thân. Tình cờ bà Thủy biết đuợc trên mạng xã hội có đăng tải thông tin về ông Chu Nghiêm (ở Hà Nội) đang tìm con gái bị thất lạc ở ga Hàng Cỏ cũng vào thời điểm đó nhưng bà lại không có thông tin để liên hệ với ông Chu Nghiêm.
Mang mong uớc tìm lại bố mẹ ruột, bà Thủy về ga Hà Nội với hy vọng sẽ có thêm manh mối. Bà Thủy đã hỏi thăm nhiều người ở ga Hà Nội nhưng chưa có thông tin. Được nguời dân chỉ dẫn, bà Thủy tìm đến Tổ công tác của công an phường đang làm nhiệm vụ tại ga Hà Nội nhờ hỗ trợ.

Giây phút xúc động khi cha con ông Nghiêm tìm được nhau. Ảnh: VGP/Phú Khánh
Tại Công an phường, sau khi tiếp nhận thông tin của bà Thuỷ, đồng chí Nguyễn Duy Long đã báo cáo chỉ huy đơn vị. Sau đó, đồng chí Nguyễn Huy Quý - Trưởng Công an phường đã trực tiếp huy động, chỉ huy lực lượng Công an phường rà soát hồ sơ nhân hộ khẩu trên địa bàn.
Quá trình rà soát trên sổ sách với thông tin ít ỏi rất khó khăn và gần như không có kết quả về cái tên Chu Nghiêm. Tuy nhiên, rất may mắn vì tổ cấp Căn cước công dân được Công an TP.Hà Nội đưa từ Công an quận Hoàn Kiếm cũ về Công an phường Cửa Nam, ngày hôm đó là đồng chí Đại uý Trần Thị Thuỳ Linh đang trực máy, đã được chỉ đạo mở rộng tra cứu, rà soát trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Qua nghiên cứu nhiều trường hợp có tên Chu Nghiêm, căn cứ phân tích độ tuổi của bà Thủy, thời gian bà Thủy thất lạc, Công an phường Cửa Nam đã tìm ra một trường hợp có khả năng trùng khớp với thông tin bà Thủy cung cấp, đó là ông Chu Nghiêm, sinh năm 1941, nguyên cán bộ Công an TP. Hà Nội, hiện nghỉ hưu và sinh sống tại quận Hoàng Mai.

Những giọt nước mắt hạnh phúc của chị Thủy khi tìm được lại gia đình mình. Ảnh: VGP/Phú Khánh
Khi đuợc liên hệ, ông Nghiêm xác nhận ngày 16/12/1968, lúc này nhà ông ở ngay trong khu vực ga Hàng Cỏ. Thời điểm đó, vợ của ông Nghiêm đang trông em của Mai khi đó mới 1 tháng tuổi nên Mai đi ra ngoài ga và bị lạc. Nhiều năm qua, khi còn đang công tác đến khi nghỉ hưu, ông Nghiêm và gia đình đã nhiều lần tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Buổi gặp mặt giữa hai người nhanh chóng diễn ra, với ký ức về làn da hơi ngăm đen, mặt trái xoan, má hơi lệch; dưới tai phía gáy từng lên nhọt để lại sẹo của nguời con gái, ông Nghiêm linh cảm bà Thủy chính là Mai, con gái của mình.
Kết quả xét nghiệm ADN ngày 17/4/2025 đã xác định ông Nghiêm và bà Thủy có mối quan hệ huyết thống bố - con.
Nghẹn lòng cảm xúc về ký ức xen lẫn hiện tại
Ông Nghiêm đã khóc nhiều lần khi kể lại câu chuyện đi tìm con của mình suốt 57 năm. Trong những năm tháng ấy, ông chưa bao giờ tắt hi vọng tìm lại được Mai (tên lúc bấy giờ đứa con đầu lòng của vợ chồng ông).

Chị Thủy tìm được người thân nhờ các đồng chí công an rà soát thông tin trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: VGP/Phú Khánh
Kể về năm xưa, ông Nghiêm vẫn còn nhớ như in hình dung về đứa con đầu lòng của mình, với khuôn mặt trái xoan, và lần tổ chức sinh nhật đầu tiên cho con, chỉ đơn sơ là vài bông hoa với một bữa cơm gia đình thịnh soạn hơn ngày thường. Cả khi con gái bé bỏng ngồi sau xe đạp được bố chở đi chơi và bị ngã.
"Ngày hôm đó, vợ tôi đang nằm ở trong nhà trông em vừa mới sinh, cháu Mai tự đi chơi loanh quanh gần nhà, là ga Hàng Cỏ. Lúc thất lạc con, tôi mới hỏi người ta xem thời gian ấy có những chuyến tàu nào, đi đâu. Nhưng tôi bị nhầm hướng, tôi nghĩ là tàu đi lên Thái Nguyên. Mà chuyến tàu thực sự là đưa con tôi lên Bắc Giang.
Cũng đã có năm tôi đi xe máy lên Thái Nguyên đi tìm con, suốt bao năm tháng, tôi đã đi nhiều nơi, đã tìm nhiều manh mối, cũng đã thử ADN với một vài trường hợp tìm thấy, nhưng đều không phải.
Lần này, khi nhận được điện báo của Công an phường về cháu, tôi cũng rất mừng, nhưng cũng lo lắng, lo có thể lại nhầm như trước. Rồi tôi vẫn đi gặp, và quyết định thử ADN. Dù chỉ có 1% hi vọng, tôi vẫn quyết tâm. Tôi chưa bao giờ hết hi vọng tìm lại được con mình. Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức sinh nhật vắng mặt cho Mai.

Cha con ông Nghiêm, chị Thủy bên các đồng chí Công an phường Cửa Nam. Ảnh: VGP/Phú Khánh
Ngày nhận được kết quả ADN, tôi gọi điện thoại bảo con xuống nhà bác đi, rồi cùng mở tờ kết quả, mọi người vỡ òa trong vui mừng vỗ tay, có người khóc, và hai cha con chúng tôi đã khóc. "Cái Mai nó gục đầu khóc mãi", ông Nghiêm nghẹn ngào kể lại.
Tờ kết quả AND ấy đã làm yên lòng tất cả mọi người, của bố con tôi, từ nay không còn gì lăn tăn, lấn cấn trong suốt phần đời còn lại nữa.
Trong câu chuyện kể, ông Nghiêm cũng nhiều lần cảm ơn của những người thân, người lạ đã chúc mừng và chia vui. Đặc biệt, đây là một trong những thành tích của Công an thành phố, và cụ thể là của các đồng chí Công an phường Cửa Nam đã làm việc rất trách nhiệm vì nhân dân.
Câu chuyện cảm động của gia đình ông Nghiêm là minh chứng rõ nét cho sự hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư kết hợp với sự giúp đỡ tích cực của cộng đồng mạng cùng tinh thần trách nhiệm của lực lượng Công an đã mang lại cái kết có hậu, cuộc đoàn tụ "kỳ diệu" của những người thân trong gia đình sau gần 60 năm xa cách.
Chứng kiến niềm vui của gia đình ông Nghiêm, đại diện chỉ huy Công an phường Cửa Nam cho biết: "Giúp đỡ đuợc bà Thủy tìm lại bố đẻ, chúng tôi rất vui mừng và xúc động. Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm "vì nhân dân phục vụ", giúp được 1 cán bộ Công an thế hệ trước đoàn tụ với con gái. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn là niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam, là món quà tri ân ý nghĩa của chúng tôi với đồng chí, đồng đội".
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những nền tảng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối, chia sẻ thông tin dân cư giữa các cơ quan nhà nước. Không chỉ phục vụ công tác quản lý hành chính, hệ thống này còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi được ứng dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ tìm kiếm người thân bị thất lạc. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc định danh và truy tìm người thân đã trở nên chính xác và nhanh chóng hơn. Đây chính là giá trị nhân đạo sâu sắc mà hệ thống dữ liệu dân cư mang lại cho xã hội đúng với tinh thần "lấy người dân làm trung tâm" trong chuyển đổi số quốc gia. |
Hà Việt