Đa dạng mặt hàng phục vụ ngày lễ Vu Lan

09/08/2022 2:59 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy), với tâm lý “cả năm được rằm tháng bảy...”, nên cận ngày, hầu hết người dân đổ xô đi mua sắm lễ vật. Tại các chợ dân sinh, siêu thị, nhiều mặt hàng được bày bán đa dạng, thu hút người tiêu dùng; các loại thực phẩm chay, cỗ chay cũng trở nên đắt khách hơn những ngày thường.

Đa dạng mặt hàng phục vụ ngày lễ Vu Lan - Ảnh 1.

Giá trái cây, hoa tươi cận rằm có tăng hơn vài giá so với những ngày trước đó. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Giá thực phẩm tăng nhẹ

Sắm sửa lễ vật cúng rằm tháng bảy âm lịch, gà là sự lựa chọn số 1 trên mâm cỗ của phần đông gia đình. 7h sáng, tại chợ Thành Công, người mua, người bán tấp nập, đặc biệt là ở các hàng gà. Chị Nguyễn Thị Thơm (Đê La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, đến thời điểm này, tôi lại ra chợ chọn con gà trống ưng ý nhất, trước là làm mâm xôi, gà cúng gia tiên, sau là để gia đình quây quần, sum họp".

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ đầu mối phía Nam, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên, Hoàng Mai, Nguyễn Công Trứ... trong sáng 9/8 (tức ngày 12/7 âm lịch), giá thịt gà ta lông ở mức 150.000 đồng/kg; giá thịt lợn từ 110.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò 250.000 – 280.000 đồng/kg. So với những ngày trước đó, thực phẩm đắt lên một vài giá.

Vào ngày lễ linh thiêng này, trên bàn thờ mỗi gia đình, ngoài mâm cỗ, rượu, nước… thì không thể thiếu hoa tươi. Theo ghi nhận, giá hoa tươi như: Hoa cúc Đà Lạt giá 7.000-8.000 đồng/bông; giá hoa hồng 4.000-6.000 đồng/bông; hoa huệ 50 bó/10 bông; hoa mẫu đơn 8.000 đồng/bông; hoa ly 8.000-10.000 đồng/bông (cành 1 bông); cau tươi thắp hương có giá 8.000-10.000 đồng/quả.

Giá trái cây tươi cũng khá phong phú. Điển hình, nhãn có giá 23.000-25.000 đồng/kg; giá na dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg; dưa vàng 30.000 đồng/kg; dưa hấu 11.000-12.000 đồng/kg; thanh long có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg; giá chuối từ 20.000-40.000 đồng/nải tùy loại, mức giá này đắt hơn so với thời điểm cách đây 1 tuần từ 5.000-10.000 đồng/nải…

Thực phẩm chay 'hút' khách

Đa dạng mặt hàng phục vụ ngày lễ Vu Lan - Ảnh 3.

Thực đơn mâm cỗ chay cúm rằm tháng 7 cũng đa dạng và bắt mắt. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo ghi nhận, thị trường thực phẩm chay cũng rất đa dạng, phong phú với đủ các loại nem, giò, chả, thịt, cá, tôm chay… để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Tại hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Winmart, Big C... cho thấy, các doanh nghiệp đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay thương hiệu Việt như Âu Lạc, Vissan… với giá bán của các mặt hàng này dao động từ vài chục cho đến cả trăm nghìn đồng tùy loại.

Cụ thể, giá há cảo chay dao động từ 62.000 - 66.000 đồng/kg, nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm 60.000 - 100.000 đồng/kg; bánh giầy chay giá 32.000 đồng/hộp 6 chiếc, bánh chưng chay 65.000 đồng/chiếc; cơm cháy, cơm gạo lứt sấy 30.000 - 70.000 đồng/gói 150 - 200 g...

Nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hầu hết siêu thị đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 15%-20% thực phẩm chay.

Ngoài việc lựa chọn mua các loại thực phẩm chay thì việc đặt sẵn cỗ chay cũng được nhiều người lựa chọn. Để phục vụ nhu cầu cúng chay trong ngày Vu Lan báo hiếu, các nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn chay như Vô Ưu chay, Bồ Đề Tâm, Thiên Phúc… cũng đẩy mạnh giới thiệu dịch vụ nấu cỗ chay trọn gói.

Đại điện nhà hàng Bồ Đề Tâm cho biết, với mức giá từ 600.000 - 800.000 đồng, người tiêu dùng có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5 - 7 món như: Gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh; mâm cỗ chay 10 - 12 món có giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng...

Cô Nguyễn Thị Mây ở Đào Tấn, Hà Nội chia sẻ, hằng tháng, cô đều chọn một vài ngày vào bếp nấu những món chay thanh đạm cho cả gia đình, như riêng tháng 7 âm lịch, gia đình sẽ ăn chay 1 tuần và thường ưu tiên chọn thực phẩm chay thương hiệu Việt sử dụng.

Cần quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm

Theo nhiều chuyên gia, người dân bận rộn sắm sửa đồ chay để cúng rằm nhưng cũng cần chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm, bởi mối lo lớn nhất hiện nay nằm ở dạng thực phẩm chay đóng gói công nghiệp, chế biến sẵn bầy bán ở chợ dân sinh, trên mạng Zalo, Facebook… có nhiều loại chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài những cơ sở làm ăn chân chính, luôn vì sức khỏe người tiêu dùng thì cũng có những cơ sở sản xuất chỉ chạy theo lợi nhuận không chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sau vụ ngộ độc pate Minh Chay trước đây cho thấy, nếu thực phẩm chay không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường với sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay. Nhằm hạn chế hiện tượng kinh doanh thực phẩm chay không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội quận, huyện tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử...

Thùy Linh

Top