Đảng bộ TP. Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo để vững mạnh từ cơ sở

24/09/2024 4:15 PM

(Chinhphu.vn) - Phát huy truyền thống vẻ vang, qua 94 năm xây dựng Đảng bộ TP. Hà Nội (1930-2024) và kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Đảng bộ TP. Hà Nội luôn cố gắng, nỗ lực, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, góp phần xây dựng Đảng bộ Thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Đảng bộ TP. Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo để vững mạnh từ cơ sở- Ảnh 1.

Phát huy truyền thống của Thủ đô, trong 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng TP. Hà Nội, đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phát huy truyền thống của Thủ đô, trong 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng TP. Hà Nội, đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, luôn chủ động, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng công tác; triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược phát triển Thủ đô. Qua đó góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ Thành phố tới cơ sở

Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đang triển khai hiệu quả 10 Chương trình công tác toàn khóa, xây dựng nhiều Đề án, Kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố. Tích cực, chủ động làm việc với cơ quan Trung ương, các tỉnh thành bạn, các quận, huyện, thị xã để triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; quan tâm phát triển đồng đều, nhất là tạo điều kiện đối với những khu vực khó khăn của Thành phố.

Đặc biệt, năm 2024 là năm "tăng tốc", có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố. Thành phố bám sát chủ đề công tác năm 2024 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" cùng với quyết tâm chính trị cao, phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Vì vậy, phương thức lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy được đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ Thành phố tới cơ sở; tạo được động lực mới trong thực thi công vụ của toàn hệ thống chính trị, tiếp tục xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết việc mới, việc khó, những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đảng vững mạnh từ cơ sở được Thành ủy Hà Nội thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng Đảng và hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.

Đảng bộ TP. Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo để vững mạnh từ cơ sở- Ảnh 2.

Đề án số 11 của Thành ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đang triển khai hiệu quả ở cấp cơ sở - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thí điểm tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng

Chương trình số 01 của Thành ủy về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính"; Đề án số 11 của Thành ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ bảo đang được triển khai hiệu quả tại các địa phương, góp phần tăng năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Đảng bộ quận Tây Hồ hiện có 8 đảng bộ phường với trên 100 chi bộ tổ dân phố, trong đó có 91 chi bộ đã chia tổ Đảng. Tổ Đảng có đông đảng viên nhất là 38 đảng viên, tổ Đảng có ít đảng viên nhất là 6 đảng viên.

Quận ủy Tây Hồ hiện đang thí điểm tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai đề án của quận về thí điểm tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng ở những chi bộ tổ dân phố có đông đảng viên.

Theo đó, mỗi phường lựa chọn 1 chi bộ tổ dân phố có từ 50 đảng viên đang sinh hoạt trở lên để thí điểm thực hiện sinh hoạt chi bộ theo tổ Đảng.

Việc thí điểm tổ chức sinh hoạt theo tổ Đảng ở quận Tây Hồ nhằm góp phần phổ biến, tuyên truyền kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các đảng viên trong chi bộ. Từ những ý kiến góp ý, phê bình và tự phê bình, mỗi đảng viên sẽ có dịp hoàn thiện để có những đóng góp thiết thực, ý nghĩa cho tổ Đảng, cho chi bộ và địa phương nơi cư trú.

Đối với huyện Thường Tín, nhờ phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, thời gian qua, Đảng bộ huyện Thường Tín đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu đề ra, đưa huyện ngày càng phát triển.

Một trong những nội dung quan trọng mà Huyện ủy Thường Tín tập trung thực hiện để củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các tổ chức cơ sở Đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phải khắc phục tình trạng dập khuôn máy móc, "bệnh" hình thức, chạy theo thành tích trong đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên.

Huyện cũng thực hiện hiệu quả mô hình "Chi bộ bốn tốt", "Đảng bộ cơ sở bốn tốt" (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt). Tiêu biểu về công tác dân chủ ở cơ sở hiệu quả trên địa bàn huyện là các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể đều lồng ghép nội dung triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Nhờ đó, Thường Tín là một trong những địa phương đã nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.

Đảng bộ TP. Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo để vững mạnh từ cơ sở- Ảnh 3.

Hà Nội tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực

Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6/12/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới" đã đi vào cuộc sống khi ở các cấp cơ sở Đảng, chế độ sinh hoạt thường kỳ được duy trì nền nếp; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, đề cập trực tiếp vào các vấn đề mới, khó, cấp thiết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhiều đơn vị có cách làm đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả trong sinh hoạt chi bộ như: Có slide trình chiếu (quận Long Biên và huyện Chương Mỹ); ban hành mẫu biên bản sinh hoạt, mẫu nghị quyết chi bộ; thành lập các tổ công tác chuyên dự sinh hoạt chi bộ, tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu để các chi bộ trong đảng bộ nghiên cứu, học tập như các đơn vị: thị xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai, huyện Thanh Oai, huyện Đan Phượng, quận Thanh Xuân, quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ.

Quận Thanh Xuân hiện có 77 tổ chức cơ sở Đảng với trên 20.700 đảng viên. Trong 3 năm qua, các chi bộ trên địa bàn đã nghiêm túc duy trì, triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Các chi bộ đều quy định cụ thể ngày sinh hoạt định kỳ. Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị đúng, đủ theo quy định, xác định rõ nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc tổ chức sinh hoạt được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vai trò của người đứng đầu cấp ủy được đề cao; tinh thần trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên tham gia xây dựng, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị được phát huy.

Đảng ủy các phường luôn xác định cán bộ là gốc của mọi việc, do vậy rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các chi ủy viên. Từ đó, không chỉ điều hành tốt sinh hoạt chi bộ, các chi ủy viên còn xử lý hiệu quả các tình huống trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

Trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng viên được thông báo trước nội dung sinh hoạt, nêu vấn đề cần thảo luận cho đảng viên nghiên cứu, phân công chuẩn bị ý kiến phát biểu, đặt câu hỏi. Vì vậy, nội dung buổi sinh hoạt chi bộ vừa thiết thực, vừa đạt hiệu quả cao, sát với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương bảo đảm tính toàn diện của vấn đề cần trao đổi.

Quận ủy Thanh Xuân sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của chi bộ, chi ủy và đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ về vai trò, mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ; tiếp tục quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đảng viên và tổ chức thực hiện tốt các văn bản của Trung ương và Thành ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, Quận ủy chú trọng thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.

Quận ủy Thanh Xuân sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt định kỳ phải cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề phải bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức. Chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy), trước hết là bí thư chi bộ, phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để lựa chọn đúng, trúng nội dung sinh hoạt, bảo đảm tính toàn diện; xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, chỉ đạo, tránh trùng lặp giữa nhiệm vụ công tác Đảng và nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Sau 3 năm thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới", công tác sinh hoạt chi bộ tại các Đảng bộ, chi bộ thuộc Đảng bộ huyện Thanh Oai đã có bước chuyển biến rõ rệt. Nội dung sinh hoạt đa chiều, có tính phản biện; tinh thần chiến đấu của các đảng viên được nâng cao...

Nhiều chi bộ đã lựa chọn vấn đề sinh hoạt chuyên đề trúng và đúng với thực tế phát triển tại địa phương. Nhờ đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hà Nội có 50 đảng bộ trực thuộc, với 3.172 tổ chức cơ sở Đảng, 17.980 chi bộ (1.726 chi bộ cơ sở và 16.254 chi bộ trực thuộc), 481.406 đảng viên.

Gia Huy

Top