Dâng hương kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi
(Chinhphu.vn) - Sáng 25/1 (mùng 4 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), huyện Thanh Trì tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo huyện Thanh Trì đã thành kính dâng nén hương thơm lên tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi, thể hiện sự trân trọng, biết ơn và nhớ về chiến công oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đã điểm lại sự kiện lịch sử cách đây 234 năm, dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Chỉ trong rạng sáng mùng 5 Tết, toàn bộ quân địch ở đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, mở đường giải phóng kinh thành Thăng Long.
Trong 234 năm qua, Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng trí tuệ của dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là Anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
Đối với huyện Thanh Trì, trong thời gian qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng các tiêu trí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở khu dân cư ngày càng phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, với 5/5 làng, tổ dân phố đạt danh hiệu làng, tổ dân phố văn hóa cấp huyện.
Cùng ngày, huyện Thanh Trì tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm, chúc Tết nhân dân và cán bộ thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (25/1/1963 - 25/1/2023); gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cấp thành phố.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Trì (1930-2010), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự Thật năm 2011, trang 178 ghi: Ngày 25 tháng 1 năm 1963 (tức mùng 1 Tết Quý Mão), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc tết nhân dân thôn Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp). Sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đó là thời gian vô cùng có ý nghĩa và được ghi sâu vào trong tâm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta nói chung, đặc biệt là người dân xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì và người dân Thủ đô Hà Nội.
Trong 60 năm qua kể từ sự kiện đó, những lời căn dặn cũng như tình cảm, sự quan tâm của Bác và Trung ương Đảng là nguồn sức mạnh cổ vũ quân và dân huyện Thanh Trì đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, đồng sức, đồng lòng, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa ra sức thi đua sản xuất, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quê hương Thanh Trì từng bước đổi thay, phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Huyện Thanh Trì đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội, hoàn thành khảo sát, tập hợp tư liệu lịch sử theo đúng quy trình thực hiện gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm, chúc tết nhân dân và cán bộ thôn Huỳnh Cung xã Tam Hiệp. Đây là địa điểm lưu niệm sự kiện có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, nhân văn sâu sắc; giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, sự đồng cảm và tình yêu thương nhân loại bao la của Người.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2023, nhân dân và cán bộ huyện Thanh Trì quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu 100% xã đạt nông thôn mới nâng cao và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, xã phát triển thành phường, huyện lên quận.
Hòa An