Dành nguồn lực nâng cao hoạt động của nhà văn hóa
(Chinhphu.vn) - Với tổng kinh phí chi hỗ trợ mua sắm thiết bị năm 2024 là trên 382 tỷ đồng, TP. Hà Nội mong muốn mang lại hiệu quả hơn nữa cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn phù hợp với hoạt động thực tế của địa phương.
Góp phần đa dạng, nâng cao hoạt động của các nhà văn hóa, khu thể thao thôn
HĐND TP. Hà Nội khóa XVI vừa thông qua quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 với tổng kinh phí năm 2024 là 382.910 triệu đồng.
Nguồn kinh phí này sẽ chi hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của địa phương, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà, hiện nay mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách các cấp, chưa có sự thống nhất đồng bộ trên địa bàn Thành phố. Do vậy, xảy ra tình trạng nơi hoạt động mạnh, nơi ít hoạt động, không đồng đều, kém hiệu quả, chưa phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư xây dựng.
Việc ban hành Nghị quyết tạo sự đồng bộ và là quy định bắt buộc các cấp ngân sách phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
Bên cạnh đó, việc đầu tư từ nguồn ngân sách các cấp tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa thể thao: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động, chú trọng xây dựng, phát huy các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí gắn với nhu cầu của Nhân dân, độ tuổi, giới, ngành; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở gắn với làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động chuyên môn về văn hóa, thể thao. Xây dựng hệ thống tổ chức các giải, liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, giải thể thao quần chúng trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với đặc thù của từng địa phương nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Quy định về mức chi hỗ trợ này cũng tạo sự đồng bộ và là quy định bắt buộc các cấp ngân sách phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn Thành phố.
Phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Còn theo Ban Pháp chế (HĐND) Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố được sự quan tâm đầu tư lớn trong thời gian qua và đang tiếp tục hoàn thiện (hiện còn thiếu Trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thôn, làng tổ dân phố tại một số địa bàn).
Tuy nhiên, một số thiết chế văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng đã lâu, kinh phí bố trí chủ yếu phục vụ sửa chữa nhỏ nên xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa cũng còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, các hoạt động tạo nguồn thu tại chỗ còn rất hạn chế.
Do đó, việc đầu tư bổ sung từ nguồn ngân sách các cấp tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa - thể thao đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng các loại hình hoạt động, chú trọng xây dựng, phát huy các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơigiải trí gắn với nhu cầu của Nhân dân, độ tuổi, giới, ngành; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở gắn với làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động chuyên môn về văn hóa, thể thao, gia đình.
Vì vậy, việc chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở là cần thiết, nhằm phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Sau khi được thông qua, năm 2024, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã được hỗ trợ: 200 triệu đồng/thiết chế; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn: 75 triệu đồng/thiết chế.
Bên cạnh đó, chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã; Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn thư viện, tủ sách xã: 75 triệu đồng/tủ sách; tủ sách thôn: 50 triệu đồng/tủ sách.
Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 50 triệu đồng/1 năm. Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn: 30 triệu đồng/1 năm.
Ngoài ra, chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao xã, thôn theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đến quý I/2023, TP. Hà Nội có 383 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc quản lý của UBND Thành phố, các sở, ban, ngành đoàn thể; 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình văn hoá, thể thao; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hoá, thể thao; 4.656/5.469 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85.0%.
Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục rà soát, thống kê thực trạng các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến quận, huyện, xã phường, thôn, tổ dân phố để có lộ trình đầu tư với phương châm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao kết nối giữa các địa phương nhằm xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao, kết hợp với tổ hợp công trình công cộng đa chức năng và không gian cây xanh, công viên để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Gia Huy