Đánh thức du lịch nông thôn

31/12/2021 2:43 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðây được xem là hướng đi mới góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, đưa công tác xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và chất lượng.

Làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây. Ảnh: Thành Nam

Phải khẳng định, ít địa phương nào hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn như Hà Nội. Có thể điểm qua: Khu vực Sóc Sơn, Mỹ Đức... nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng nhiều sản vật thôn quê, như bò sữa, rau rừng, hoa quả, mật ong, gà đồi, dê, thỏ, lợn rừng... Hay huyện Đan Phượng; Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)... với những đường làng ngõ xóm đẹp như tranh cùng sự trù phú của thôn quê, đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch làng, xã nông thôn mới.

Xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, vào mùa sen, mỗi ngày địa phương đón hàng trăm du khách tới tham quan, chụp ảnh. Ngoài cho thuê địa điểm chụp ảnh, nhiều hộ dân còn kết hợp bán hoa và hạt sen.

Ba Vì là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều làng nghề truyền thống, nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán từ các làn điệu dân ca đến những đặc trưng ẩm thực mang đậm nét văn hóa địa phương… rất phù hợp để phát triển du lịch nông thôn với các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng.

Trang trại đồng quê Ba Vì là một trong những mô hình du lịch nông nghiệp thành công với các chủ đề tham quan: Lúa nước và nền văn minh lúa nước; Nông trại chăn nuôi gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xóm; Rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học... Mô hình có sự liên kết với 5 hộ sản xuất nông nghiệp truyền thống ở địa phương, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm việc nuôi bò, trồng thảo dược, trồng rau, chè...

Bà Triệu Thị Hòa (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình làm nghề thuốc nam truyền thống, khu vực vườn nhà bà trông gần 200 loài thảo dược, trong đó có nhiều thuốc quý như: Hoa tiên, củ dòm, sâm cau, khôi tía... Từ năm 2008 đến nay, gia đình bà đã phối hợp với trang trại đồng quê Ba Vì đón tiếp du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Mỗi năm, mô hình này cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Tại nhiều huyện ngoại thành như Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Thọ, Thạch Thất… ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách. Nhiều mô hình được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nổi bật như Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại Du lịch đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)… Điều này mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho vùng ngoại thành của Hà Nội, đặc biệt những vùng xa.

Khách du lịch tham quan làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Cần cơ chế hỗ trợ du lịch nông thôn có tính đặc thù

Loại hình du lịch nông nghiệp tuy không mới, nhưng vẫn chưa bứt phá được cũng bởi nhiều nguyên nhân như: Việc tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch nông thôn còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch nói chung của thành phố còn thấp. Doanh thu chủ yếu vẫn từ việc bán sản phẩm thủ công, chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách chưa cao;

Hiện, Hà Nội có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch đã được Thành phố công nhận. Tuy nhiên, đến nay mới có một số ít làng nghề truyền thống phát huy hiệu quả khai thác du lịch, như làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Bên cạnh đó, nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động du lịch trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn ít. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp…

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội, để phát triển du lịch nông nghiệp thành sản phẩm mang tính đặc trưng của du lịch Thủ đô, cần giữ gìn những giá trị bản địa để tạo nên nét đặc thù riêng cho sản phẩm, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa địa phương và lợi thế, tiềm năng du lịch làng nghề.

Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn có tính đặc thù của Thủ đô. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo các nhóm như: Điểm đến du lịch nông nghiệp, điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn và điểm đến du lịch văn hóa tâm linh.

Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực du lịch nông thôn, trong đó chú trọng bồi dưỡng nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ năng, thái độ phục vụ khách du lịch. Tổ chức đội ngũ chuyên gia du lịch, nông nghiệp, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân khai thác phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch… 

Thành Nam

Top