Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật

12/11/2024 3:19 PM

(Chinhphu.vn) - Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc vào tối 9/11 tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, đến nay các chương trình biểu diễn nghệ thuật, cùng những hoạt động đã và đang mang đến một “bữa tiệc văn hóa di sản” hấp dẫn cho người dân và du khách.

Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật- Ảnh 1.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm chất truyền thống kết hợp hiện đại tại Lễ khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhiều hoạt động biểu diễn ấn tượng với du khách

Dấu ấn đầu tiên của lễ hội là chương trình khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 có sự kết hợp sáng tạo giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, được chia làm hai chương: Lễ khai mạc tái hiện "Long Vân khánh hội" và lễ diễu hành sáng tạo mang tên "Diễu hành Phố Chợ".

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy, thành công của lễ khai mạc năm nay là tái hiện sinh động khung cảnh Long Vân Khánh Hội đất Thăng Long xưa với âm thanh đặc trưng của nghệ thuật sân khấu truyền thống được lồng ghép khéo léo trong mỗi tác phẩm. Các tiết mục biểu diễn trên dân khấu là sự pha trộn các tiết mục văn hóa dân gian và những tiết mục hiện đại để tạo sự đột phá trong các sáng tạo.

Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật- Ảnh 2.

Điểm nhấn của hoạt động biểu diễn tại Lễ hội thiết kế sáng tạo là lễ diễu hành mang tên "Diễu hành Phố Chợ". Ảnh: VGP/Diệu Anh

Điểm nhấn của hoạt động biểu diễn tại Lễ hội thiết kế sáng tạo là lễ diễu hành mang tên "Diễu hành Phố Chợ" vào tối 9/11, bắt đầu ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và kết thúc tại điểm giao lộ Hàng Khay đã thu hút rất nhiều người dân cùng xem. Sự kiện đã tôn vinh giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội, tạo điểm nhấn thị giác mạnh mẽ với người xem qua nhiều chuyển động, từ biểu tượng cờ lọng, kiệu, cổ phục… đến hình tượng ngựa mang đôi cánh phiêu bồng chiều cao gần 5m.

Ngoài các hoạt động biểu diễn trong lễ khai mạc, tại nhiều không gian sáng tạo cũng diễn ra rất nhiều hoạt động biểu diễn ấn tượng. Điển hình là trình diễn thời trang "Nhị thập cửu" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (10/11); các hoạt động giới thiệu nghệ thuật xiếc, thể dục nghệ thuật, âm nhạc trên tuyến phố Tràng Tiền và các vườn hoa (diễn từ ngày 10/11); chương trình cộng đồng "Em đi trong tươi xanh" ở sân khấu Đinh Tiên hoàng (10/11); trình diễn "Những âm thanh ta thấy: Bản giao hưởng thành phố Hà Nội" (10/11); chương trình rock "Hà Nội chốn đi về" tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (11/11), chiếu phim "Hãy tha thứ cho em" tại Rạp Khăn Quàng đỏ - Cung Thiếu nhi Hà Nội (12/11)

Ấn tượng 7 điểm di sản, 5 vườn hoa

Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật- Ảnh 3.

Tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) đã đón 10.000 lượt người chỉ trong ngày 10/11. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Chỉ trong hai ngày đầu tổ chức, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 đã tạo sức hút lớn đến người dân Thủ đô và du khách, đón hơn 30.000 vạn khách tới tham quan tại các điểm trên tuyến chính.

Theo Ban Tổ chức, ngày khai hội (9/11), có gần 8000 lượt người tại các điểm và tới ngày thứ 2, con số đã lên đến gần 25.000 lượt người trong một ngày. Số lượng này chỉ mới ước tính tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể đến các không gian mở như tại các vườn hoa.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này, các hoạt động workshop ngoài trời, hội chợ, khu vui chơi rất đông người tham gia, phòng hội thảo cũng gần như kín chỗ. Trong đó, các không gian sáng tạo, trưng bày tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, tòa nhà Đại học Tổng hợp được coi là "điểm nóng" đón tiếp rất đông người dân và du khách. Từ sáng, rất nhiều khách đã xếp hàng ở khu vực hành lang để chờ đến lượt vào chiêm ngưỡng các trưng bày và vẻ đẹp kiến trúc của công trình.

Theo Ban Tổ chức, tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) đã đón 10.000 lượt người chỉ trong ngày 10/11; hơn 8000 người đã đến Tổ hợp triển lãm "Cung Thiếu nhi-Hoài niệm cho tương lai" cùng ngày.

Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật- Ảnh 4.

Người dân và du khách tham gia trò chơi sau khi khám phá không gian sáng tạo tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Ngoài ra, nhiều không gian sáng tạo khác cũng có sức hút lớn với du khách như: Không gian trưng bày tại Vườn hoa 19/8; Pavillion "Dòng" tại Vườn hoa Diên Hồng và Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ); Pavillion "Rồng rắn lên mây" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…

Điều khác biệt của lễ hội năm nay, một số đơn vị lữ hành đã thiết kế các tour du lịch trải nghiệm cho du khách tại lễ hội. Điển hình là "Tour sáng tạo" của đơn vị lữ hành Vietravel và nền tảng Tubudd tại Bắc Bộ Phủ; tour giám tuyển "Cung thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai"… giúp khách tham quan hiểu thêm nhiều thông tin và câu chuyện thú vị "lần đầu được nghe kể" xung quanh công trình di sản này.

Năm nay, sự tham gia chung tay theo hình thức xã hội hóa của nhiều đơn vị đã góp sức hình thành những không gian sáng tạo trong "Giao lộ sáng tạo của lễ hội. Đó là không gian tương tác tại Vườn hoa Cổ Tân; phố Tràng Tiền; Vườn hoa 19/8; khu nhà Bát Giác… với các hoạt động trải nghiệm: Cuộc thi vẽ tra chuỗi workshop "Những khung cửi nhỏ", "Gieo mẫm văn hóa nghệ thuật vẽ lá bằng chất liệu dân gian"; "Trồng cây gieo mầm - Làm đồ thủ công"…

Dấu ấn của những sáng tạo đậm chất nghệ thuật- Ảnh 5.

Nhiều sự kiện workshop sáng tạo cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Bên cạnh đó, các hoạt động trình diễn nghệ thuật cũng hấp dẫn nhiều người đến tham dự như: Trình diễn thời trang "Nhị Thập Cửu" tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; các hoạt động giới thiệu nghệ thuật xiếc, thể dục nghệ thuật, âm nhạc trên tuyến phố Tràng Tiền và các vườn hoa"; Show cộng đồng "Em đi trong tươi xanh" ở sân khấu Đinh Tiên hoàng; trình diễn "Những âm thanh ta thấy: Bản giao hưởng thành phố Hà Nội"…

Để phục vụ công chúng đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Ban Tổ chức đã huy động đội ngũ tình nguyện viên gần 300 bạn trẻ nhiệt huyết và năng động sẽ hiện diện tại các điểm hoạt động của Lễ hội. Được tuyển chọn kỹ lưỡng và tập huấn bài bản, các tình nguyện viên này không chỉ cung cấp thông tin mà còn là những đại sứ sáng tạo, sẵn sàng hỗ trợ khách tham quan thông tin chi tiết về các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội.

Từ nay đến hết ngày 17/11/2024, các hoạt động trưng bày, triển lãm, các chương trình nghệ thuật, hoạt động cộng đồng… tiếp tục diễn ra với nhiều hoạt động sáng tạo, phong phú.

Diệu Anh

Top