Đầu tư hơn 430 tỉ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh
(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 430 tỉ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2026 đến 2029.

TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 430 tỉ đồng. Ảnh minh họa
Theo Quyết định số 2616/QĐ-UBND, mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cho các xã thuộc lưu vực Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), bao gồm mạng lưới cống chính, giếng tràn, cống bao và trạm xử lý nước thải tập trung. Đây là cơ sở để xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối và mở rộng trong tương lai.
Dự án có quy mô là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, nhóm B. Hạng mục chính bao gồm hệ thống thu gom nước thải (nửa riêng kiểu giếng tách, cống bao tự chảy), trạm bơm chuyển tiếp và tuyến cống áp lực, được tính toán đáp ứng lưu lượng theo quy hoạch.
Điểm nhấn của dự án là Nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh với công suất dự kiến đến năm 2030 là 7.500 m³/ngày đêm. Công nghệ xử lý được lựa chọn bảo đảm nước thải sau xử lý đạt đồng thời cột A của QCVN 14:2008/BTNMT và cột A QCVN 40:2011/BTNMT, tiên tiến và phổ biến tại Việt Nam.
Nhà máy sẽ được xây dựng kín, có hệ thống xử lý mùi, sử dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng, có khả năng tiếp nhận và xử lý bùn bể tự hoại, bảo đảm bùn sau xử lý đạt độ khô tối thiểu 30% trước khi chôn lấp.
UBND huyện Hoài Đức chịu trách nhiệm về tính chính xác và pháp lý của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Đồng thời, huyện được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định.
Đặc biệt, huyện cần xác định chính xác khối lượng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình ngầm nổi, bố trí tái định cư và lựa chọn vị trí tuyến ống thu gom nước thải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông trong tương lai.
Được biết, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 12 làng nghề với hàng trăm xưởng sản xuất ở các quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Các làng nghề phát triển tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhưng do việc sản xuất của các cơ sở, hộ gia đình xen kẽ trong khu dân cư cho nên ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nước thải rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, nhiều nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng, trong đó điển hình là Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, với công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động đã xử lý cơ bản nước thải làng nghề Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.
Thùy Chi