Đầu tư xây dựng 11 nghĩa trang có cơ sở hỏa táng
(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2014 – 2020, TP. Hà Nội tập trung triển khai 10 dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang có cơ sở hỏa táng để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị.
Ảnh minh họa |
Hiện tại, địa bàn Hà Nội có 2.640 nghĩa trang nhân dân với tổng diện tích 2.744 ha, chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 4 nghĩa trang cấp Thành phố quản lý. Các nghĩa trang cấp xã nằm rải rác tại các thôn làng; một số nghĩa trang phường nằm xen kẹt vào giữa khu đô thị bởi quá trình đô thị hóa. Địa bàn Hà Nội có 18 nhà tang lễ, trong đó có 7 nhà tang lễ thuộc các cơ quan Trung ương.
Sau khi Quy hoạch hệ thống nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung trên địa bàn đến năm 2020. Hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ theo quy hoạch của Thành phố, cấp huyện, xã được cập nhật trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, chi tiết.
Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1 do hết quỹ đất, đóng cửa nghĩa trang Sài Đồng, quận Long Biên do hết chỗ, nghĩa trang Văn Điển do ô nhiễm và cải tạo thành công viên nghĩa trang (nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng). Các quận, huyện cũng thực hiện cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang cấp xã, thôn cho phù hợp quy hoạch, môi trường cảnh quan được cải thiện.
Hà Nội cũng dự kiến xây dựng mới 6 nghĩa trang là Minh Phú, huyện Sóc Sơn đến năm 2020 khoảng 83 ha, đến năm 2030 khoảng 100 ha, sử dụng hình thức hung táng, cát táng và hỏa táng phục vụ cho nhu cầu của nhân dân khu vực phát triển đô thị các huyện phía Bắc sông Hồng, một số quận nội thành và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị.
Đến năm 2020, nghĩa trang Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn đến có khoảng 10 ha, sử dụng hình thức hỏa táng triển khai trước phục vụ nhu cầu cho nhân dân khu vực phía Bắc Hà Nội và các quận nội thành; nghĩa trang Xuân Nộn, Đông Anh có khoảng 10ha sử dụng hình thức hỏa táng; nghĩa trang Trung Màu, Gia Lâm có khoảng 17 ha, sử dụng hình thức hung táng, cát táng, hỏa táng; nghĩa trang Trần Phú, huyện Chương Mỹ diện tích 17ha phục vụ nhu cầu của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn các huyện phía Nam của Thành phố.
Ở cấp huyện, Thành phố xây dựng mới 11 nghĩa trang để phục vụ quy tập mộ di chuyển và chôn mới của khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ…Tại khu vực nông thôn, nhân dân tiếp tục sử dụng các nghĩa trang phân tán hiện có tại địa phương. Với các nghĩa trang này nếu đủ điều kiện sẽ nâng cấp, cải tạo về tường rào, thoát nước, đường đi và trồng cây xung quanh.
Trong kế hoạch nâng cấp, cải tạo 11 nhà tang lễ hiện có, Thành phố đang thực hiện 5 dự án tại Hà Đông, Thanh Trì, Cầu Giấy, Đông Anh và thị xã Sơn Tây; đầu tư xây dựng mới 27 nhà tang lễ trong các nghĩa trang tập trung và trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2014 – 2020, Thành phố đầu tư xây dựng 11 nghĩa trang có cơ sở hỏa táng là: Mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ, huyện Ba Vì; dự án công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, huyện Mê Linh; nghĩa trang Thanh Tước phần mở rộng 3 ha; nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng, huyện Ba Vì; nghĩa trang Trần Phú, huyện Chương Mỹ; nghĩa trang Xuân Nộn, huyện Đông Anh; nghĩa trang Trung Màu, huyện Gia Lâm; nghĩa trang Bắc Sơn, Minh Phú huyện Sóc Sơn; nghĩa trang Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên và nghĩa trang của các quận, huyện, thị xã không có hỏa táng đang thực hiện việc lập quy hoạch đã được đưa vào quy hoạch các phân khu.
Mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ, giai đoạn I có diện tích 203,1 ha. Diện tích cần giải phóng mặt bằng là 706 hộ gia đình. Đến nay, Thành phố đã tổ chức kiểm đếm diện tích đất và tài sản trên đất của 607 tổ chức, hộ gia đình đình, cá nhân; bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và không chuyển tiếp của các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các xã trong vùng ảnh hưởng của dự án.
Hiện nay, Đài hóa thân tại nghĩa trang Vĩnh Hằng đã đi vào hoạt động và thực hiện trên 8.000 ca hỏa táng. Dự kiến trong năm 2016, dự án triển khai việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công dự án với mục tiêu cuối năm 2016 đưa vào hoạt động.
Theo UBND TP. Hà Nội, Thành phố sẽ tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân địa phương ủng hộ các dự án nghĩa trang, hỏa táng, nhà tang lễ; đẩy mạnh tuyên truyền “tang văn minh tiến bộ”, nâng cao tỷ lệ hỏa táng, vận động nhân dân đồng thuận trong việc quy hoạch nghĩa trang.
Lam Giang