Đẩy mạnh các hình thức sàng lọc để nâng cao chất lượng giống nòi

29/10/2015 6:27 PM

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao chất lượng dân số thì thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện tật, bệnh bẩm sinh thai nhi và góp phần giảm thiểu tỷ lệ khuyết tật trẻ em.

 

 

 Tư vấn sáng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai - Ảnh minh họa

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ năm 2007-2012, thành phố Hà Nội đã mở rộng đề án sang lọc trước sinh và sơ sinh tại 29 quận, huyện. Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ hàng năm cũng xây dựng Kế hoạch Đề án và triển khai thực hiện đề án này tại 30/30 quận, huyện, thị xã; thực hiện kỹ thuật sang lọc trước sinh và sơ sinh tại 30/30 quận, huyện, thị xã và đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng, tư vấn vận động đối tượng, phát thanh tại đài truyền thanh của 584 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thực hiện các tư vấn chuyên sâu cho các đối tượng có kết quả xét nghiệm sang lọc trước sinh và sơ sinh dương tính.

Bên cạnh đó còn tổ chức các lớp tập huấn cho tuyên truyền viên cấp quận, huyện, thị xã và tuyến xã, phường, thị trấn về sang lọc trước sinh và sơ sinh. Phối hợp với bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện huyện, thị xã tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện Đề án về kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh sàng lọc sơ sinh tại cơ sở, đào tạo kỹ thuật siêu âm sang lọc trước sinh cơ bản và nâng cao cho bác sĩ tại các quận, huyện, thị xã…

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ sang lọc trước sinh của toàn thành phố đạt 44,74% (con số này năm 2014 là 67%, năm 2013 là 60,71%...). Trong năm 2014 và 6 tháng năm 2015 Hà Nội đã siêu âm hội chẩn cho hơn 1,2 nghìn trường hợp, đình chỉ thai nghén 170 ca, can thiệp 167 trường hợp chọc ối. Trong đó, có một số đơn vị làm tốt chương trình sang lọc trước sinh trong cả giai đoạn 2013-2015 là: Quốc Oai, Chương Mỹ, Tây Hồ, Long Biên, Nam Từ Liêm.

Tỷ lệ sang lọc sơ sinh của toàn thành phố đạt 30,98% năm 2013, năm 2014 là 46,8%, trong 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ này đạt 61,89%. Một số đơn vị triển khai tốt chương trình này như: Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín, bên cạnh đó một số đưn vị sang lọc sơ sinh thấp như: Sơn Tây, Thanh Trì… Trong 3 năm triển khai phát hiện 1.022 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD và 21 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng làm tốt các chương trình sàng lọc khác để nâng cao chất lượng dân số như: sang lọc khiếm thính, sàng lọc Thalassemia, sàng lọc tim bẩm sinh… Năm 2014, sàng lọc tim bẩm sinh được triển khai tại huyện Đông Anh và Ba Vì cho 1 nghìn trẻ sơ sinh và thực hiện sàng lọc, chẩn đoán xác định tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho 3 trăm trẻ. Kết quả, có 16 trẻ đã bị bệnh tim bẩm sinh và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.Năm 2015 tiếp tục duy trì ở 2 đơn vị là Ba Vì và Đông Anh và mở rộng thêm 3 đơn vị là Sóc Sơn, Chương Mỹ và Mê Linh. Dự kiến năm 2015 sẽ sàng lọc tim bẩm sinh cho 3 nghìn trẻ tại các huyện này.

Cùng với việc triển khai các hình thức sàng lọc, thời gian qua Hà Nội còn tổ chức các mô hình nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã triển khai và duy trì 386 các mô hình (chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… và mô hình ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dữ liệu DS-KHHGĐ).

Với những kết quả trên, Hà Nội đã đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao và hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao về giảm sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, để nâng cao chất lượng dân số, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội cần triển khai chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020 và triển khai có hiệu quả Đề án sàng lọc trước sinh vá sơ sinh. Đồng thời chú trọng việc tuyên truyền tư vấn trực tiếp tới các nhóm đối tượng có nguy cơ cao làm suy giảm chất lượng giống nòi.

Tú Mai

Top