Đẩy mạnh công tác quản lý chó/mèo để phòng chống bệnh dại

21/01/2019 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù việc quản lý chó/mèo trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua đã có các quy định quản lý nuôi và phòng, chống bệnh dại rõ ràng nhưng trong thực tế, việc quản lý chó nuôi gần như chưa được nhiều chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, theo số liệu thống kê hàng năm, tổng đàn chó mèo của Thành phố những năm gần đây dao động từ  450 nghìn con đến 493 nghìn con. Mục đích chăn nuôi của người dân chủ yếu để giữ nhà (87,5%), đây cũng là truyền thống lâu đời của người dân nông thôn Việt Nam nói chung và còn nằm ở một số mục đích khác như làm cảnh, kinh doanh hoặc để giết thịt. Ở các huyện ngoại thành, người dân có tập quán nuôi chó giữ nhà và sử dụng làm thực phẩm nên số lượng chó chiếm tỷ lệ cao hơn so với các quận nội thành (các huyện trung bình 1,6 - 1,7 con/hộ chăn nuôi; các quận 1 - 1,1 con/hộ chăn nuôi).

Vì vậy, trong năm 2018 Hà Nội đã phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Đặc biệt các quy định của pháp luật đối với chính quyền địa phương và chủ nuôi chó, những quy định bắt buộc để người dân thực hiện vì vậy cũng đã có nhiều chuyển biến.

Bên cạnh đó, đã phối hợp với Tổ chức “Bản năng sống”; “Soidog” để triển khai các giải pháp liên quan đến việc kinh doanh, giết mổ chó mèo, mở phòng khám thú y và chương trình truyền thông về quán lý chó nuôi trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực các quy định quản lý nuôi và phòng, chống bệnh dại đã rõ ràng nhưng trong thực tế, việc quản lý chó nuôi gần như chưa được nhiều chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện. Nhất là việc lập sổ theo dõi, quản lý ngăn chặn chó thả rông gây nguy hiểm cho người dân và mất mỹ quan, vệ sinh môi trường ở một số nơi vẫn còn/ Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại chưa được thực hiện đầy đủ.

Ở một số nơi chính quyền địa phương đã thực hiện thành lập các tổ bắt giữ chó (như Quận Thanh Xuân) được người dân đồng tỉnh ủng hộ song nhân lực, vật lực còn thiếu và yếu nên gặp không ít khó khăn.

Từ việc quản lý còn hạn chế nên những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có người chết do chó dại cắn. Đặc biệt có tới trên 6 nghìn người bị súc vật cắn được điều trị dự phòng trong đó nguyên nhân do chó cắn chiếum 87 %. Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ. Một thực trạng nữa là có những nơi nhiều người nuôi chó làm giết thịt thì việc chấp hành tiêm phòng vác xin dại là chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bố sung khi nhập đàn. Người bị chó mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của y tế, cán bộ thú y.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, Chi cục Thú y Hà Nội đã có nhiều cố gắng thực hiện các giải pháp để phòng chống và ngăn chặn bệnh dại.  Điển hình như Chi cục đã tham mưu thành phố hỗ trợ vắc xin dại tiêm phòng cho đàn cho mèo tại các huyện và thị xã. Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2021.

Chỉ đạo hệ thống mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thống kê tổng đàn chó mèo, theo dõi rà soát biến động đàn chó, mèo trên địa bàn. Chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát tại thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Hướng dẫn lập sổ sách theo dõi số lượng chó, mèo từng hộ gia đình (nắm bắt thông tin về độ tuổi, màu lông, giống, loài…).

Bên cạnh đó đã kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển chó mèo, các điểm kinh doanh chó mèo, thịt chó mèo theo đúng quy định. Thông tin phối hợp giữa y tế và thú y, thông báo của người dân về các trường hợp chó cắn người, người mắc dại. Trong trường hợp cần thiết lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời thực hiện tốt việc thông tin báo cáo kịp thời.

Chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở triển khai tốt tiêm phòng đại trà vaccine Dại cho đàn chó mèo vào tháng 3 - 4 hàng năm và tiêm bổ sung vào các tháng còn lại (năm 2017 tiêm phòng 393.462 lượt con, năm 2018 tiêm phòng 418.797 đạt trên 90 % số chó trong diện tiêm).

Tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới thú y, chú trọng các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh Dại trên đàn chó, mèo.

Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về quản lý chó nuôi; áp dụng xử phạt vi phạm hành chính tại các quận huyện. Thực hiện tốt văn bản của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn Thành phố.

Thiện Tâm

Top