Đẩy mạnh hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm

28/06/2023 3:10 PM

(Chinhphu.vn) - Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực vận động người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, thực phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra để góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Đẩy mạnh hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản sẽ góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, thời gian qua đơn vị đã tích cực triển khai việc lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là nhóm sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày tại các công đoạn có nguy cơ cao.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đơn vị cũng đã triển khai xét nghiệm nhanh 103 mẫu thịt gia súc đối với hoạt chất salbutamol (chất tạo nạc); kết quả 103/103 mẫu có kết quả âm tính. Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp lấy 369 mẫu nông sản thực phẩm tại các vùng trồng trên địa bàn để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhằm đánh giá, chứng nhận sản phẩm. Kết quả, 6/369 mẫu không bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật…

Mặc dù công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn tồn tại tình trạng hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn lạc hậu; việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm; công tác xây dựng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Bên cạnh đó là thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; nguồn lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm ở cấp xã, phường còn nhiều bất cập bởi không có các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm….

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, để quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản, các địa phương cần giám sát từ khâu sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, an toàn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp để chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Ngành nông nghiệp cần phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn; phối hợp thẩm định, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký...

Ngoài ra tham mưu Thành phố kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; có chính sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, tiến tới mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao chỉ tiêu được công nhận, chỉ định, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ; xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Đẩy mạnh công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật…

Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến cần có biện pháp hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. 

Thiện Tâm

Top