Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại

02/03/2016 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại lớn, trung tâm về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo hướng văn minh, hiện đại, Thành phố đã xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Ưu tiên phát triển các loại hình thương mại

Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển các loại hình thương mại như trung tâm mua sắm vừa và nhỏ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện ích...; phát triển các loại hình dịch vụ như trung tâm tài chính thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng,...;

Xây dựng một số tuyến phố chuyên kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm địa phương, sản phẩm làng nghề tại các trung tâm chính gắn với phát triển du lịch; cải tạo các đường phố thương mại; hạn chế xây dựng mới các chợ, dần cải tạo các chợ truyền thống thành công trình đa năng,...

Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển các loại hình doanh nghiệp thương mại như doanh nghiệp bán buôn, đại lý ủy quyền, doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại...; phát triển các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại cửa hàng bán lẻ, công ty, chi nhánh, tập đoàn...; phát triển các thành phần kinh tế hoạt động thương mại trên địa bàn như thương mại nhà nước, thương mại thuộc các thành phần kinh tế khác...

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành hơn 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.

Bản quy hoạch được lập ra dựa trên cơ sở dự báo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, tốc độ tăng dân số, thu nhập của người dân,... Theo dự báo đến năm 2020, quy mô dân số của Hà Nội là 9,4 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD/người/năm; năm 2030 đạt 17.000 USD/người/năm. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích xây dựng đô thị tăng 4,69 lần, từ 18.050ha năm 2008 lên 84.670ha vào năm 2020. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ theo hướng đồng bộ, văn minh hiện đại.

 

Cùng với đó, việc chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu sẽ theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và có giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ. Khuyến khích và đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu hoặc thay thế mặt hàng nhập khẩu. Duy trì tốc độ tăng trưởng nhóm sản phẩm có lợi thế. Đẩy mạnh khai thác các thị trường mới có tiềm năng.

Mục tiêu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trên địa bàn như hàng nông sản đạt 2,2 tỷ USD, hàng dệt may đạt 3 tỷ USD, hàng điện tử, tin học và viễn thông đạt 7,5 tỷ USD. Khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển. Hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ. Có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu. Ngăn chặn việc nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài.

Luôn tạo điều kiện để phát triển thương mại

Để phát triển thương mại Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, Hà Nội sẽ đầu tư cho những khu công nghiệp sản xuất chế tạo nguồn hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Chú trọng đầu tư cho các vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các sản phẩm chủ lực, các dự án sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chất xám.

Bên cạnh đó, xây dựng chương trình xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu; tiến hành xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dự báo thị trường trong nước, quốc tế.

Hà Nội sẽ có những chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại. Giải quyết các khó khăn về vốn, đất đai, cải cách thủ tục hành chính để tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp thương mại; phát triển các phương thức lưu thông hiện đại, nâng cao trình độ hiện đại hóa của các doanh nghiệp thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ đổi mới kỹ thuật công nghệ kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động.

Đồng thời, có giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.

Xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đổi mới và tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với phát triển thương mại trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh quá trình liên lết giữa thị trường Hà Nội với các thị trường trong và ngoài nước...

Diệu Anh

Top