Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái tài chính số
(Chinhphu.vn) - Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Ngân hàng mở 2022 có chủ đề Phát triển Hệ sinh thái Tài chính số tại Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá vừa diễn ra tại TPHCM nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng chia sẻ về bức tranh toàn cảnh về dịch vụ tài chính cả khu vực và trong nước, đưa ra những kiến nghị, giải pháp công nghệ nhằm phát triển dịch vụ tài chính và ngân hàng mở, tạo tiền đề cho tài chính số toàn diện tại Việt Nam.
Về sự phát triển của ngân hàng mở, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai hoạt động Open Banking ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng API để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.
Theo The Financialbrand.com, với xu hướng chia sẻ dữ liệu trở nên mạnh mẽ trong năm 2022, mô hình Ngân hàng mở (Open Banking) sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính ngân hàng.
Đối với chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như eKYC và Blockchain mà các tài khoản giao dịch tăng nhanh (tính đến ngày 30/4/2021, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,103 triệu tài khoản, trong đó 3,091 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân).
Bên cạnh đó, đối với ngành bảo hiểm tại Việt Nam, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16.71% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3.98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính số đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều.
Đại diện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Tổng Giám đốc đánh giá, ngành dịch vụ tài chính đang bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghệ, cụ thể là chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số mặc dù tác động đến ngành ngân hàng chưa ở mức quá cao tuy vậy khối lượng giao dịch ở các chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng có xu hướng giảm.
Ở lĩnh vực chứng khoán, bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, đánh giá hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đã có bộ phận nghiên cứu chuyển đổi số, nhưng việc ứng dụng các công nghệ thì chưa nhiều và chưa sâu, vì chỉ mới bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu.
Trong tham luận Self Service kiosk - Giải pháp tự động thông minh nâng cao hiệu suất và giảm chi phí vận hành ứng dụng trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miraway Giải pháp công nghệ cho hay, trong hơn 15 năm phát triển, công ty đã phát triển và cung cấp giải pháp CEM đa kênh tổng thể cho hơn 500 khách hàng tại Việt Nam và các quốc gia khác như Peru, Myanmar, Lào, Đông Timor...
Giải pháp của Miraway cho phép doanh nghiệp cung cấp các hành trình của khách hàng liền mạch ở mọi điểm tiếp xúc, bên trong và bên ngoài chi nhánh, đáp ứng nhu cầu của cả khách hàng và doanh nghiệp nhu cầu.
Ngoài ra, xét về hiệu quả kinh tế, giá trị của Máy tự phục vụ (Self-Kiosh) giúp việc mở rộng sang các địa điểm mới chỉ bằng 5% chi phí mở chi nhánh; giảm chi phí nhân viên; chi phí đi lại cho khách hàng; phục vụ được những khu vực dân cư chưa tiếm cận với ngân hàng…
Để các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, akaBot cho rằng, một trong những việc quan trọng mà doanh nghiệp cần phải thay đổi, đó chính là chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi đến để đáp ứng, mà cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi.
LN