Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số
(Chinhphu.vn) - Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Các mô hình áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa đã được ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai, trên cơ sở đó trang bị cho nông dân những kiến thức mới để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Trong vụ Xuân 2024 này, để tiết kiệm chi phí nhân công lao động, những nông dân của HTX nông nghiệp Quảng Bị, huyện Chương Mỹ cũng đã sử dụng máy bay không người lái vào gieo sạ cho diện tích gần 400 ha lúa chiêm xuân. Khó có thể diễn tả niềm vui của những người nông dân nơi đây. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Bị, việc sử dụng cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân.
Tại Chương Mỹ một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp là HTX Rau quả sạch Chúc Sơn. HTX là đơn vị duy nhất của thành phố Hà Nội đang áp dụng công nghệ thiết bị iMetos ứng dụng trạm thời tiết thông minh và phần mềm ứng phó biến đổi khí hậu hỗ trợ quản lý sản xuất minh bạch rau ViệtGAP. Ngoài ứng dụng hệ thống tưới tự động, hệ thống nhà giàn để trồng rau trái vụ và phòng ngừa sâu bệnh hại rau thì ứng dụng mô hình cảnh báo thời tiết, sâu bệnh, hỗ trợ sản xuất và quản lý rau VIETGAP bằng hệ thống thiết bị IMETOS, giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Việc áp dụng đồng bộ công nghệ số với bà Hoàng Thị Huyền, Thành viên HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ là một sự tiện lợi, dễ dàng và minh bạch với người tiêu dùng.
Hiện nay, với những lợi ích mà khi áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp mang lại thì ngày càng nhiều mô hình đang đưa cơ giới hóa, công nghệ số vào sản xuất làm thay đổi thói quen canh tác của bà con nông dân. Ngay cả những nông dân U60, 70 ngày nay cũng rất thành thục trong việc sử dụng công nghệ để làm ra các sản phẩm nông sản an toàn đích thực. Từ sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trên cơ sở tích tụ ruộng đất, có được những cánh đồng mẫu lớn thì sẽ có ngày càng nhiều HTX áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Tham gia xã hội số, xây dựng nền nông nghiệp thông minh và thị trường số là yêu cầu đặt ra đối với mọi nông dân hiện nay. Để quá trình đó thực sự có hiệu quả, đòi hỏi cần có sự chung tay, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương để nông dân Việt Nam thực sự là những "nông dân 4.0", "nông dân thông minh", phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.
Thiện Tâm