Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên, vườn hoa phục vụ nhân dân

23/04/2022 3:06 PM

(Chinhphu.vn) - Việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố, một trong những chỉ tiêu quan trọng tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025", đang được Thành phố Hà Nội chỉ đạo tập trung thực hiện.

Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố đã xuống cấp. Trước thực tế trên, Thành phố Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Nhiều vườn hoa, công viên đơn điệu, xuống cấp

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Thành phố có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử. Ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích.

Về chất lượng, hệ thống cây bóng mát tại các công viên, vườn hoa đã phát triển ổn định, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu nên tại nhiều công viên, vườn hoa, diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, lạc hậu, đơn điệu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn manh mún, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa phục vụ nhân dân - Ảnh 1.

Công viên Thống Nhất được hoàn thành vào tháng 5/1961 sau gần 3 năm xây dựng, với hàng vạn ngày công lao động công ích của sinh viên và người dân. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại công viên Thống Nhất - sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, đến nay nhiều hạng mục của đã xuống cấp và hư hỏng, không còn bảo đảm an toàn cho du khách đến vui chơi. Tại một số khu vực, hệ thống cửa và những hàng rào sắt xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc. Một số đoạn đường đi bộ bị hư hỏng, lồi lõm, nứt toác. Đặc biệt, khu vực gần cổng đường Trần Nhân Tông đang tồn tại hàng loạt các ụ củi khô chất đống, xâm chiếm không gian, ảnh hưởng đến cảnh quan công viên. Anh Nguyễn Việt Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khi chạy bộ tập thể dục vào lúc nhá nhem tối anh suýt ngã khi bị sụt chân vào đoạn đường hỏng. "Tôi thấy công viên có nhiều đoạn đường mấp mô gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt trẻ em và người lớn tuổi", anh Hà nói. Chú Nguyễn Đắc Trung (quận Đống Đa) hy vọng công viên sẽ sớm được cải tạo, bổ sung thêm các không gian đa chức năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi cho người dân.

Tại công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), hầu hết các hạng mục, vật dụng đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Cổng bị gỉ sét, hư hỏng nặng; các ghế đá đều bị gãy chân hoặc nứt, vỡ. Nền gạch ở nhiều đoạn đường trong công viên bị bong tróc, tạo thành rất nhiều "ổ gà", nước đọng. Hệ thống chiếu sáng tại công viên hầu như không còn tác dụng do đèn đã cháy hoặc vỡ. Ông Nguyễn Văn Đông ở tòa CT1, chung cư Bắc Linh Đàm chia sẻ: "Công viên xuống cấp nghiêm trọng từ lâu và gần như bị bỏ hoang nên chúng tôi không dám vào tập thể dục vì ô nhiễm và thiếu an toàn. Người dân cũng không dám cho các cháu nhỏ vào đi dạo hay vui chơi như trước nữa...".

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa phục vụ nhân dân - Ảnh 2.

Khu vui chơi dưới nước trong Công viên Thủ Lệ. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hiện nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, khu vực diễn ra nghiêm trọng nhất là khu vui chơi dành cho trẻ em. Tại đây, thảm cỏ nhân tạo nhiều vị trí đã bị rách, bong tróc từng mảng lớn làm lộ ra những mảng bê tông cứng, lồi lõm. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, không chỉ bong tróc, hiện thảm cỏ tại khu vui chơi cho trẻ nhỏ đã quá cũ, mòn, không còn tác dụng bảo vệ cho trẻ trong quá trình vui chơi, hoạt động thể dục thể thao. Vì thế, đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị rách chân, tay, chảy máu… khi tham gia các trò chơi tại công viên.

Riêng, quận Hoàn Kiếm có 14 vườn hoa hình thành từ sự phát triển của các khu phố Pháp trước đây. Hầu hết là các ô đất nhỏ, đóng vai trò vừa là sân chơi, vườn hoa công cộng, vừa là đảo giao thông hình tam giác rất đặc trưng của lối quy hoạch và kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, hầu hết cũng đều đã xuống cấp. Điển hình như vườn hoa Diên Hồng (còn gọi là vườn hoa Con cóc), dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp của các công trình: Chân đài phun nước bị rò rỉ, ngấm chảy nước lênh láng ra khu vực xung quanh; thân tượng đài được chằng buộc bởi các thanh sắt; gạch lát tại các đường dạo nhiều nơi bị vỡ, bong tróc...

Còn tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn quận còn một số dự án công viên có quy mô từ 15-25 ha chưa được đầu tư xây dựng (công viên Văn hóa Lễ hội, công viên cam Canh - bưởi Diễn tại phường Xuân Phương, công viên hồ điều hòa Tân Mỹ...). Để phục vụ kịp thời nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thời gian tới, UBND quận Nam Từ Liêm đã kiến nghị UBND Thành phố cho cơ chế thực hiện hoặc đưa vào danh mục khuyến khích đầu tư với một số công viên trên.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, thời gian qua, Thành phố đã cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp cho một số công viên, vườn hoa, như: Bách Thảo, Thành Công, Thống Nhất, Thủ Lệ, Trúc Bạch... Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa chủ yếu mang tính khắc phục cục bộ, chứ chưa mang lại diện mạo mới khang trang, tương xứng với sự phát triển của Thành phố.

Khẩn trương đầu tư xây dựng

Việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố là một trong những chỉ tiêu quan trọng tại Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025".

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chỉ tiêu trên, mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tổ chức xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, cải tạo, chỉnh trang các công trình (tập trung vào nhà biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị; hạ ngầm và chỉnh trang tuyến phố; các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch; nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố,...) để hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa phục vụ nhân dân - Ảnh 3.

Đường dạo vỡ vụn, lồi lõm... ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân (ảnh to). Nhiều trẻ nhỏ chân bị rách, chảy máu khi vui chơi tại Công viên Cầu Giấy. Ảnh: VGP/MInh Anh

UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có. Đối với công viên, vườn hoa cải tạo, nâng cấp (mức độ 1) có 3 công viên và 10 vườn hoa. Trong đó, 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 được duyệt. 10 vườn hoa (Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng) sẽ ưu tiên cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan.

Đối với công viên, vườn hoa cải tạo, sửa chữa (mức độ 2) có 10 công viên và 22 vườn hoa. Trong đó, 10 công viên gồm: Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi, Hòa Bình; 22 vườn hoa gồm: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Giảng Võ, Lý Tự Trọng, Pasteur, Đại học Thủy Lợi, Đại học Công Đoàn, Đào Duy Anh, Hà Đông, Trúc Bạch, tiểu cảnh Bãi Nhãn, Mai Xuân Thưởng, Thiền Quang, Thanh Niên, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Định Công, 1-6, Ngọc Lâm.

Về kế hoạch hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của UBND thành phố, tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), Công viên CV1, Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hoặc căn cứ tình hình kinh tế - xã hội để đề xuất đầu tư công các công viên, vườn hoa thuộc danh mục xây dựng đợt đầu theo quy hoạch cây xanh.

Trước đó, thông tin về công tác cải tạo, nâng cấp các vườn hoa trên địa bàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, giai đoạn 2019-2020, UBND quận đã cải tạo 3 vườn hoa: Vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Tây Sơn, Mê Linh. Các vườn hoa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn; góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân, du khách ngày một tốt hơn.

Hồ Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang đồng bộ: Kè hồ, thay mới gạch lát đường dạo, cải tạo hệ thống cây xanh, cây cảnh... đã mang diện mạo hoàn toàn đổi khác, được người dân, giới chuyên môn đánh giá cao. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: Sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của người dân được khẳng định hơn, nhiều hơn. Thảm xanh, thảm hoa mạch lạc, không mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Hoàn Kiếm mà còn ngăn nắp hơn. Điều này thể hiện một sự đầu tư bền vững, đồng bộ và chắc chắn, chứ không phải làm nhất thời.

Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh việc khắc phục cục bộ tình trạng xuống cấp tại một số công viên, giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đầu tư cải tạo, nâng cấp kiến trúc cảnh quan một số công viên, vườn hoa bằng nguồn kinh phí của quận. Hiện, các công trình trên đã hoàn thành, có diện mạo cảnh quan đẹp, hiện đại, khang trang... tạo điểm nhấn cho đô thị.

Minh Anh

Top