Để công nghiệp hỗ trợ Thủ đô ‘cất cánh’
(Chinhphu.vn) - Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Do đó để công nghiệp hỗ trợ Thủ đô “cất cánh” vẫn cần nhiều chính sách, giải pháp cụ thể.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ hạ tầng, phát triển thương hiệu, kết nối ứng dụng các khoa học kỹ thuật, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại khuyến công trong và ngoài nước để các doanh nghiệp của Thành phố có thể kết nối được với các doanh nghiệp trong khu vực châu Á và các nước tiên tiến trên thế giới nói chung từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND về quy chế "Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội".
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu với UBND TP. Hà Nội, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước.
Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.
Kết quả thể hiện qua việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng - đây là nhóm doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.
Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Cần tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, trong phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể, việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu;
Đồng thời góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp và trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ để từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt là tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế, tham gia các hội chợ thường niên để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thường xuyên được kết nối, trao đổi thông tin. Từ đó, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại qua các kênh online, offline.
Ngoài ra, thông qua hệ thống kết nối cổng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội với các tổ chức về công nghiệp hỗ trợ của các nước, đặc biệt là NC Network tại Việt Nam từ đó kết nối giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng có thể kết nối giao thương với các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã phát triển và chiếm tỷ trọng khoảng 60% trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng cơ bản đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Đến thời điểm này, toàn Thành phố có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố với mức 7,2% trong 7 tháng đầu năm 2022.
Thời gian tới, TP. Hà Nội phấn đấu trong thời gian tới có khoảng 920 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong đó có trên 300 doanh nghiệp có tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế. Đồng thời đặt mục tiêu tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% trong tỷ trọng phát triển công nghiệp chung của TP. Hà Nội.
Thùy Linh