Để công nghiệp hỗ trợ tiếp cận gần hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

27/08/2022 7:12 AM

(Chinhphu.vn) - Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng đó, áp lực từ giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đã khiến các doanh nghiệp FDI có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước hơn trước. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để công nghiệp hỗ trợ tiếp cận gần hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

CNHT có vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp. Ảnh: VGP/TL

CNHT có vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động sản xuất  công nghiệp Thủ đô những năm gần đây đều đạt kết quả tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)  tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành nghề chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 19,9%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 19,1%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 17,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,9%. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước…

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy, có 39,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất quý II/2022 tốt hơn quý I/2022, 41,8% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2022 sẽ tốt lên so với quý II/2022. Niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như những quốc sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố ngày càng cao.

Ông Lê Khắc Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Thành GMT Việt Nam chia sẻ: "Qua các chương trình xúc tiến thương mại của Sở Công Thương cũng như TP. Hà Nội, chúng tôi cũng đã tiếp cận được với nguồn vốn tài trợ của Thành phố cũng như Sở Công Thương. Năm 2021, chúng tôi được tài trợ một phần để đầu tư, đổi mới công nghệ, khẳng định được giá trị công nghệ mà chúng tôi đầu tư, qua đó thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hơn".

Là bộ phận không thể thiếu, CNHT có vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh trạnh sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính Phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND phê duyệt chương trình phát triển CNHT TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025; ban hành quy chế, quản lý kinh phí phát triển CNHT và quy định mức chi cụ thể các hoạt động CNHT của Thành phố và chỉ đạo Sở Công Thương, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiện trên địa bàn Hà Nội đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 821 ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Chủ đầu tư đang tập trung các nguồn lực để thi công, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện hạ tầng, đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đưa các cụm công nghiệp đi vào hoạt động.

Cơ hội cho doanh nghiệp CNHT tiếp cận nhà đầu tư ngoại

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Sở đã tham mưu, trình Thành phố ban hành kế hoạch số 35 thực hiện phát triển CNHT TP. Hà Nội năm 2022, với mục tiêu có 920 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực CNHT, trong đó 300 doanh nghiệp trở lên có những sản phẩm và công nghệ đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; đủ năng lực cung ứng vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển CNHT tăng trên 11%.

Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ, kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu;

Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về CNHT hằng năm.

Mới đây, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2022. Tham gia hội chợ, các doanh nghiệp đều có nhiều kỳ vọng.

Giám đốc Công ty Kyoyo Đặng Trần Thùy - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm đúc mẫu chảy cho các doanh nghiệp công nghiệp cho biết, Công ty đã gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật, Đài Loan. Tham dự hội chợ, công ty tìm kiếm các đối tác cung cấp máy móc công nghệ tiên tiến. Ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ, công ty đã ký kết được hợp đồng mua máy đúc hiện đại của Nhật Bản trị giá gần 2 tỷ đồng.

Ông Yasuo Uchihara, Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40.000 hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Công ty hy vọng sẽ gặp gỡ, kết nối giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, trong thời gian vừa qua, TP. Hà Nội có nhiều chính sách được ban hành về lĩnh vực CNHT cũng như tổ chức đươc nhiều sự kiện kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng.

"Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 1.000 doanh nghiệp CNHT, trong đó có 40% là doanh nghiệp CNHT của Hà Nội được đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây thực sự là việc rất tốt và là mô hình để các địa phương trong cả nước cùng tham gia học hỏi; có sự đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tại địa phương mình", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Có thể thấy, hiện cộng đồng doanh nghiệp CNHT của Thành phố cũng đang nhanh chóng đón cơ hội, quảng bá sản phẩm, kết nối kinh doanh, đổi mới công nghệ, tìm hiểu yêu cầu của đối tác và "đầu ra" cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tất cả hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nghiệp ngành CNHT của Hà Nội đông đảo về số lượng, bảo đảm về chất lượng, thực sự là lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát công nghiệp và triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.

Diệu Anh

Top