Để công nhân sớm ‘an cư, lạc nghiệp’
(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là công nhân ở các đô thị lớn, địa phương có nhiều khu chế xuất, công nghiệp. Tuy nhiên, việc này triển khai còn chậm, do đó cần có những chính sách hữu hiệu hơn để người dân sớm được “an cư, lạc nghiệp”.

Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Internet
Vẫn thiếu nhà ở xã hội cho công nhân
Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa cao, sức hút mạnh đối với lực lượng lao động tại các khu đô thị lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội có giá phù hợp tiếp tục tăng. Với giá nhà đất và thu nhập của công nhân, người lao động ở mức thấp như hiện nay, họ rất khó mua nhà ở thương mại để "an cư, lạc nghiệp", nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội.
Nghiên cứu của một số đơn vị bất động sản thời gian qua cho thấy, giá nhà chung cư tại Hà Nội gần đây có dấu hiệu tăng cao trở lại sau một thời điểm chững; nguồn cung nhà ở giá rẻ đang rất thiếu, đặc biệt là các căn hộ giá rẻ tại các dự án hiện hữu đã hết và không có nguồn cung mới.
Theo thống kê, Hà Nội có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên, hiện khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao..., gây khó khăn cho đời sống công nhân lao động.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội), thừa nhận thực tế vấn đề phát triển nhà ở, phúc lợi cho công nhân lao động luôn là nhu cầu bức thiết.
Theo ông Tuấn, nhiều năm qua, dù đã có nhiều quyết sách thiết thực hỗ trợ người lao động nhưng trên thực tế, công nhân tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả khi đối mặt với nhu cầu về nhà ở, cũng như các nhu cầu tối thiểu để ổn định cuộc sống.
"Với thu nhập khoảng 6 - 9 triệu đồng mỗi tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, chủ yếu công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư, đa phần không thể đảm bảo được điều kiện về an toàn, vệ sinh, an sinh", Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở, anh Phan Chí Thành, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) mong muốn, Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động…
Phấn đấu các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có nhà ở xã hội
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP. Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô, trước những băn khoăn của người lao động, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và công nhân lao động tại các khu công nghiệp nói riêng, bởi "an cư mới lạc nghiệp".
Lãnh đạo Thành phố đã đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân lao động. Đồng thời, yêu cầu trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch.
Về vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, Chủ tịch Thành phố sẽ có những điều chỉnh thực tế hơn quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện đồng thời, có chính sách hỗ trợ để người đáng được hưởng sẽ được hưởng và quan tâm đến một loạt thiết chế khác, như thiết chế văn hóa để công nhân lao động ổn định cuộc sống.
Ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô được thông qua, chúng ta có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội.
Theo Kế hoạch số 181/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" đặt ra loạt chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú;
Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3% và ở khu vực thành thị dưới 3,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 60%.
70% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 50% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 65% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí, trợ cấp xã hội…
TP. Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt khoảng 32 m2 sàn/người; phát triển nhà ở xã hội mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà, đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố có nhà ở xã hội...
UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô;
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành Thành phố trong nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn của Thủ đô, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.
Diệu Anh