Để di sản Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến hấp dẫn
(Chinhphu.vn) - Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội áp dụng bộ quy tắc ứng xử nhằm hướng đến xây dựng điểm đến Hoàng Thành Thăng Long văn minh, lịch sự.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện tốt các công tác về di sản thế giới
Xây dựng điểm đến Hoàng Thành Thăng Long văn minh, lịch sự
Trong công tác đón tiếp khách tham quan, các bộ phận đón tiếp khách tham quan luôn ứng xử lịch thiệp, thái độ thân thiện, nhã nhặn, tận tình đón tiếp hướng dẫn khách tham quan. Trung tâm trang bị đồng phục cho các bộ phận phục vụ từ bảo vệ, bán vé, thuyết minh và cán bộ trực nhà trưng bày để tạo cảm giác thân thiện, chỉn chu khi khách tới tham quan, làm việc tại khu di sản.
Công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan đã được chuẩn hóa cũng như áp dụng công nghệ mới tiên tiến, kết hợp âm thanh, phim, ảnh. Những hỗ trợ kỹ thuật số cho phép khách tham quan tự tìm hiểu, khám phá và có thể tương tác qua màn hình, qua App thuyết minh tự động. Việc giới thiệu về di sản đã được thực hiện dưới các hình thức như: Công bố các tư liệu, hồ sơ lưu trữ; xuất bản các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu về khu di sản; xây dựng trang web (https://www.hoangthanhthanglong.vn) làm một công cụ giáo dục, kết nỗi giữa di sản với cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả công tác duy trì cảnh quan vệ sinh mỗi trường di sản cũng được chú trọng. Các đơn vị thi công thực hiện vệ sinh môi trường của khu di sản từ khu vực 19C Hoàng Diệu đến khu vực Hậu Lâu, di tích Cửa Bắc và khu vực phía ngoài tòa nhà Vaxuco, đặc biệt là những điểm dừng chân và bố trí khu vực dịch vụ luôn được kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Vào giai đoạn cao điểm như các ngày lễ, Tết và phục vụ Chương trình Giáo dục di sản; Tour đêm, cần tập trung nhân lực vào công tác vệ sinh, thu gom rác và vận chuyển vào vị trí tập kết, cán bộ giám sát phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo di sản luôn gọn gàng, thông thoáng.
Ngoài ra, thường xuyên cắt tỉa cây cỏ, cây hàng rào; cắt tỉa cây bóng mát định kỳ tạo không gian di sản xanh, thoáng và có tính thẩm mỹ; duy trì vườn hoa, tiểu cảnh tại Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, phía ngoài tòa nhà Vaxuco, di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu theo hướng trang trí hoa, cây lá màu theo mùa tạo không gian di sản luôn có sự tươi mới, hấp dẫn cho du khách chụp ảnh và check in.
Nỗ lực đưa di tích Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến hấp dẫn du khách
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Với mục tiêu đưa Di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định ngoài việc đưa ra các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn đề ra các kế hoạch phát huy giá trị của khu Di sản nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
Cụ thể, tại cửa lối vào tham quan được trang bị bảng Quy tắc ứng xử, có bản thông tin, tờ rơi giới thiệu di sản, cán bộ hướng dẫn du khách tải phần mềm hướng dẫn tự động với nhiều ngôn ngữ như Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật giúp du khách tiếp cận với đi sản một cách gần nhất.
Trung tâm tổ chức các sự kiện thường niên (gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thế) như: Lễ Khai xuân dịp Tết Nguyên đán, Tết Việt, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Cổ Loa... Đồng thời đẩy mạnh chương trình "Giáo dục di sản" tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (do Trung tâm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện) tạo sân chơi hấp dẫn đề các cháu học sinh, sinh viên được thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử.
Trung tâm cũng đã phát triển kinh tế đêm bằng sản phẩm Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" và các hoạt động phục trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô.
Đặc biệt, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ số vào tham quan. Việc số hóa các không gian trưng bày và các hiện vật trưng bày với định dạng 360, 3D và chương trình tham quan ảo, cho phép người xem sử dụng các thiết bị thông minh để tìm hiểu tạo nên sức hấp dẫn của Di sản đối với khách tham quan.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tương tác trải nghiệm phục vụ du khách gồm phòng dựng không gian điện Kính Thiên cũng như lựa chọn một số nghi lễ trọng thể của triều đình như Lễ thiết triều hay Thi Đình thời Lê tại không gian này bằng 3D và công nghệ thực tế ảo; thử nghiệm thiết bị Audio guide, Tourguide tại các khu vực trưng bày và di tích cách mạng; tham quan 3D khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu; công nghệ 3D mapping giới thiệu di tích, di vật trưng bày.....
Minh Thúy