Để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ‘vươn xa’

17/12/2022 10:20 AM

(Chinhphu.vn) - Những doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực giữ vai trò nòng cốt và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Thủ đô. Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đã và đang có những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có cơ hội ‘vươn xa’.

Để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ‘vươn xa’ - Ảnh 1.

Những sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy công nghiệp Thủ đô tăng trưởng. Ảnh: VGP/TL

Gần 200 sản phẩm công nghiệp chủ lực đã được công nhận

TP. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, đó là phát triển chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao có giá trị gia tăng lớn.

Nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40-45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Thành phố, phát triển 8-10 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, phấn đấu 10% số doanh nghiệp công nghiệp chủ lực lọt TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Cùng với đó, có từ 150-180 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố.

Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

Sau gần 5 năm triển khai Ðề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025", những sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy công nghiệp Thủ đô tăng trưởng.

Đến nay, UBND Thành phố đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Mới đây, TP. Hà Nội đã tôn vinh 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp được UBND Thành phố công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2022. Trong đó, có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp có số điểm cao nhất được UBND Thành phố công nhận TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2022.

Đặc biệt, trong số các đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận, 4 doanh nghiệp có doanh thu năm 2022 đạt trên 1.000 tỷ đồng; 2 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam năm 2022 là Tổng công ty May 10-CTCP và Công ty cổ phần dây và cáp điện Thượng Đình; 11 doanh nghiệp tham gia chương trình lần đầu với 15 sản phẩm mới, tổng doanh thu 9.400 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và máy tính Thánh Gióng cho hay, sản phẩm của chúng tôi được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 là chiếc máy tính có hàm lượng chất xám IOT cao. Để đạt được điều nầy, chúng tôi đã dành 3 năm nghiên cứu, đầu tư, cải tiến chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Vinh dự nhận được 3 giải thưởng sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội, ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty CP MISA cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi luôn hướng tới việc lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ với văn hóa tin cậy, tiện ích, tận tình để phục vụ cho khách hàng. Tất cả các sản phẩm phần mềm đều có sứ mệnh giúp cho khách hàng nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng, hiệu quả công việc".

Cần khẳng định được vai trò tiên phong

Là đơn vị đồng hành kết nối chính quyền với doanh nghiệp, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA)đánh giá, 11 tháng qua, bức tranh kinh tế của Hà Nội phục hồi và phát triển rõ nét; minh chứng, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng hơn 8%; tăng trưởng GRDP Thành phố đạt cao nhất so với các năm trước đây, ước năm 2022 đạt 8,8%; doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới là khoảng 30.000 doanh nghiệp (tăng 25%). Lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn Thành phố đạt 351.000 doanh nghiệp.

Để đạt được kết quả đó, Thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, Thành phố luôn xác định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong các lực lượng tiên phong, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, TP. Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục chủ động, tích cực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

"Các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực phải thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô và khi các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất hãy chọn các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội làm địa chỉ tin cậy để đầu tư", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn, cải cách thủ tục hành chính… để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của Thành phố.

Thùy Linh

Top