Để Hà Nội trở thành Thành phố thông minh, hiện đại
(Chinhphu.vn) - Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” được đánh giá là đề án quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại…
Phát triển giao thông thông minh là rất cần thiết
Đầu tháng 7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Đây là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể.
Cũng trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025-2027.
Theo tờ trình, ITS sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027), nguồn từ ngân sách Thành phố.
Cụ thể, việc triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP.Hà Nội (nền tảng là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS, gồm: Hệ thống điều hành trung tâm; hệ thống camera giám sát và camera cầu vượt; hệ thống camera dò xe; hệ thống biển báo thông tin thay đổi; hệ thống kiểm tra trọng tải xe; hệ thống thu phí; hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số; hệ thống điện thoại nội bộ; hệ thống cấp nguồn.
Xây dựng và vận hành hệ thống giao thông thông minh là xu thế tất yếu để đồng thời giải quyết được nhiều bài toán xã hội tại các đô thị. Hà Nội đang nhanh chóng bắt kịp xu thế này khi vừa thống nhất triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh từ tháng 6 đến tháng 12/2024.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây được đánh giá là đề án quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2026) là hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội.
Mục tiêu đã rõ và lộ trình phát triển cũng đã được vạch ra, tuy nhiên, để hiện thực hóa thì thách thức là không ít. Phát triển hệ thống giao thông thông minh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, từ đầu tư hạ tầng đến chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường (điện, khí hóa lỏng)...
TS. Trương Thị Mỹ Thanh (Trường ĐH Công nghệ GTVT) cho hay, khi nhìn từ góc độ quản lý nhu cầu giao thông, thì phát triển giao thông thông minh là rất cần thiết. Từ việc đo lường lưu lượng giao thông theo thời gian thực, hệ thống cảnh báo sớm sẽ thông tin đường nào đang tắc, khu vực nào đang ngập lụt, người dân sớm có thông tin để tự ra quyết định: hoặc là chưa đi ra đường vội (với những công việc chưa thật sự cần thiết) hoặc nên thay đổi lộ trình thích hợp.
Tóm lại, cảnh báo sớm để điều tiết nhu cầu giao thông là đóng góp lớn của giao thông thông minh trong việc giảm ùn tắc giao thông.
Cần thu hút nhiều nguồn lực cùng tham gia
Phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết vấn đề giao thông đô thị là rất cấp thiết, song các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn, thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện. Chẳng hạn như tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít, vận tải hành khách công cộng chưa phát triển.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ; các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ...
Do vậy, cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông…
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để tạo được sự đột phát khi triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh, cần đồng bộ hóa các dự án thành phần giao thông thông minh đang triển khai một cách rời rạc của từng lĩnh vực, từ đó tích hợp thành mạng lưới để phục vụ việc đi lại trở nên "thông minh" hơn, và an toàn hơn với những lộ trình tối ưu.
Còn với cơ quan quản lý giám sát, các quyết định quản lý điều hành cũng sẽ chính xác, hiệu quả, kịp thời hơn, từ đó giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn, bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Thực tế, để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh của Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào vận hành hệ thống giao thông thông minh.
Diệu Anh