Để hàng thủ công mỹ nghệ lên sàn thương mại điện tử
(Chinhphu.vn) - Ngày 4/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức Tọa đàm “Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số” tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Chương trình còn có sự phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME).
Tọa đàm tập trung cung cấp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ các giải pháp đồng bộ để tiếp cận, sử dụng thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, đồng thời, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Thông qua Tọa đàm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được trang bị kiến thức chuyên sâu về phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường. Từ đó, giúp xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với xu hướng mới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian qua, các cơ quan đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần đi trên cả "hai chân", kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử để phát triển vững chắc. Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh "online" những vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, cần tới các hoạt động tập huấn, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị.
Tọa đàm "Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số" là sự kiện cuối cùng trong khuôn khổ Chương trình "Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số".
Chương trình bao gồm chuỗi các Hội nghị chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Bùi Huy Hoàng, đại diện Cục Kinh tế số hy vọng, thông qua các hoạt động nhằm phát triển thương mại điện tử thì các doanh nghiệp sẽ tiếp cận và tận dụng hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử khi kết hợp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nhau. Đặc biệt với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thương mại điện tử không chỉ giúp tiếp cận khách hàng trong nước mà còn tiếp cận cả thị trường nước ngoài.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đến từ sàn thương mại điện tử Lazada đã hỗ trợ các doanh nghiệp những kỹ năng tổ chức, phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; từ đó giúp doanh nghiệp có được kỹ năng cũng như hỗ trợ cần thiết chủ động triển khai các hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp mình.
Bích Phương