Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội

30/05/2024 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Làng nghề đang đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều người lao động ở đây chưa chú trọng đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến thiệt thòi khi gặp rủi ro… Chính vì vậy, cần những giải pháp, chính sách giúp lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội hiệu quả hơn.

Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội- Ảnh 1.

Cần chính sách hỗ trợ cho người dân làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) được đầu tư để trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề. Từ đầu năm 2024 đến nay, nơi đây đã đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, như: Hương nén, nụ trầm, nụ trám, hương vòng.

Để làm nên những sản phẩm thủ công mang thương hiệu của làng nghề truyền thống, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cần sự chung tay góp sức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng đông đảo người lao động.

Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có 7.379 người trong độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề tại xã là 72 triệu đồng/năm, nhưng chỉ có 86 người trên tổng số 7.379 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chị Lê Thị Anh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) cho biết, nghề buôn bán chân hương và cho thuê trang phục chụp ảnh tại điểm du lịch của chị khoảng 6.000.000đ/tháng nhưng chị chỉ tham gia bảo hiểm y tế và không tham bảo hiểm xã hội. Thời điểm hiện tại chị cũng chưa nghĩ đến việc đóng bảo hiểm xã hội vì còn phải nuôi 3 đứa con, trong khi đó thời gian đóng quá dài.

Theo chị Nguyễn Thị Tính (thôn Cẩm Tú, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), hiện nay, đa số người dân trong thôn chỉ tham gia bảo hiểm y tế, ít người tham gia bảo hiểm xã hội. Bởi lẽ, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội phải trên 20 năm mới được hưởng, trong khi đó thu nhập của người dân ở đây thấp, mức đóng cao và phải phụ thuộc vào độ tuổi để đóng. "Như tôi bây giờ muốn đóng cũng không được", chị Tính chia sẻ.

Trưởng thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Đình Đảm cho biết, hơn 90% lao động trong thôn làm nghề truyền thống, đời sống, thu nhập ổn định, nhưng hầu hết đều chưa nghiêm túc nghĩ về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chế độ an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động.

Không riêng làng nghề xã Quảng Phú Cầu, tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Đinh Chí Nguyện cho biết, lao động trên địa bàn xã đều có việc làm thường xuyên, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn xã phát triển, giảm bớt các tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến quý I/2024, trên địa bàn xã có 10.286 người có bảo hiểm y tế (đạt 96.58%). Tuy nhiên, dù UBND xã cùng các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ lao động tự do tham gia vẫn thấp.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thu nhập lao động làng nghề chưa ổn định. Một trong những lý do quan trọng nữa là các thủ tục, cơ chế chính sách của bảo hiểm xã hội chưa thật sự thông thoáng, thuận tiện, chưa hấp dẫn người dân. Hiện, những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Qua 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có sự phân định cụ thể về lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng qua khảo sát tại các làng nghề có thể thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất thấp…

Chia sẻ về giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, để hấp dẫn lao động làng nghề tham gia, cần có thêm nhiều ưu đãi trong gói bảo hiểm xã hội tự nguyện, thay vì chỉ được hưởng lương hưu và tử tuất như hiện nay. Cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, các đơn vị trong công tác tư vấn, truyền thông.

Trước thực trạng nhiều lao động làng nghề có thu nhập ổn định, thậm chí là tương đối cao so với mặt bằng chung của công nhân lao động, có người thậm chí đã mua bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Do đó, cần thiết kế các gói đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt hơn, thời gian ngắn hơn, tăng tính hấp dẫn về quyền lợi, mở rộng diện hỗ trợ về thai sản cho lao động nữ… để ngày càng có nhiều lao động làng nghề dễ dàng tiếp cận và tham gia.

Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành hiểm xã hội rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt phía cơ sở cần coi việc phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Diệu Anh

Top