Để ngành công nghiệp hỗ trợ ‘bứt phá’
(Chinhphu.vn) - Hỗ trợ về cơ chế, chính sách; đưa các giải pháp về tài chính, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài… là những chính sách đã và đang được TP. Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.
Do công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu - đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô...
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi…
Chính vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp trong dài hạn.
Nhiều chính sách để đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ
Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước của sản phẩm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có một số giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng như hoàn thiện cơ chế, chính sách; bảo đảm và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp về tài chính, tín dụng; phát triển chuỗi giá trị trong nước...
Về phía địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, gần đây Hà Nội đã có nhiều chính sách mạnh tay đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với kế hoạch cho giai đoạn 5 năm (2021-2025) và từng năm.
Năm 2021, Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội chợ chuyên đề hằng năm kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ...
Đồng thời, hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 43 cụm công nghiệp. Dự kiến, trong năm 2022, sẽ khởi công hết 43 cụm công nghiệp và trong 1-2 năm tới, sẽ có hàng nghìn ha mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Nếu thực hiện tốt việc phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 3.000ha đất công nghiệp, chưa kể diện tích đất khu công nghiệp khoảng 2.000-3.000ha nữa.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có doanh nghiệp không thành công.
Điều đó đặt ra vấn đề là phải hình thành tập đoàn, doanh nghiệp nội địa đầu đàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Theo đó, doanh nghiệp nào đã tham gia vào chuỗi sản xuất đa quốc gia, đều nhận được rất nhiều ưu ái, hỗ trợ, được tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ, giám sát quá trình sản xuất. Công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội sản xuất cho các hãng lớn như: Toyota, Honda… có thể nói đạt tầm quốc tế.
Còn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho doanh nghiệp trong nước, yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn có thấp hơn. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho những ngành kinh tế chính, sản xuất sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy muốn tồn tại bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.
Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp
Vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội không phải công nghệ mà quan trọng nhất là thị trường. Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế sản xuất sản phẩm không phải chỉ để phục vụ cho những công ty đa quốc gia ở Việt Nam, mà phải hướng tới nhiều thương hiệu toàn cầu khác. Để làm được điều đó, trước hết, yêu cầu nội địa hóa phải gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư FDI. Đó là cách gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, tăng thị phần.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anhcho rằng, cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết "bài toán gốc" là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học-công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Đồng thời đề nghị, Sở Công Thương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương trong việc tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất hoàn chỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ về tín dụng từ nguồn ngân sách địa phương rất quan trọng…
Diệu Anh