Đề nghị đánh giá lại hiệu quả lát đá vỉa hè trong năm 2023
(Chinhphu.vn) - Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội cho biết đã đưa nội dung đề nghị đánh giá hiệu quả lát đá vỉa hè trong năm 2023 trong Báo cáo thẩm tra gửi UBND Thành phố, nhằm xem xét xem hiệu quả việc lát đá vỉa hè và có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè nữa hay không.
Chiều 2/12, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên chủ trì họp báo về kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ) HĐND Thành phố năm 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 7-10/12/2022.
Cần đánh giá để xem xét hiệu quả việc lát đá vỉa hè
Trả lời câu hỏi liên quan việc chỉnh trang đô thị, lát đá vỉa hè, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nêu, gần đây dư luận và báo chí rất quan tâm đến việc lát đá vỉa hè tại Hà Nội. Đến nay, Thành phố đã ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về lát đá vỉa hè và hiện nay, Thành phố đang thực hiện tiêu chuẩn mới đã được ban hành.
"Chúng ta phải xác định vỉa hè hiện tại có 2 dạng, được lát trước khi có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và thứ hai là được lát theo tiêu chuẩn mới", Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho biết.
Về nội dung này, trong báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, đơn vị đã đề nghị đưa nhiệm vụ này vào nhiệm vụ UBND Thành phố cần đánh giá lại trong năm 2023. Việc này nhằm xem xét hiệu quả việc lát đá vỉa hè đến đâu, chất lượng như thế nào và có tiếp tục chủ trương lát đá vỉa hè nữa hay không.
Đối với nội dung quy định diện tích đối với công dân ở thuê trên địa bàn để đăng ký thường trú, ông Nguyễn Nguyên Quân nêu Luật cư trú nêu công dân có nhà thuê, nhà mượn, nhà ở đăng ký thường trú trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện là 8 m2 và nội dung này giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, thành phố quyết định.
Tuy nhiên ông Quân cho biết, để bảo đảm yêu cầu, UBND Thành phố trong quá trình nghiên cứu thấy rằng cần nghiên cứu, tính toán rõ hơn để bảo đảm quy định về diện tích mặt bằng. Vì vậy, UBND đã xin lùi thời hạn trình HĐND về nội dung này và sẽ trình trong các kỳ họp tiếp theo.
Đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội cho biết, đây là nội dung HĐND TP. Hà Nội có giám sát, tái giám sát và chất vấn nhiều lần trên nghị trường. Theo yêu cầu của HĐND thì UBND Thành phố sẽ có báo cáo định kỳ sau phiên chất vấn về các dự án chậm triển khai.
Hiện nay, HĐND đã nhận được báo cáo của UBND Thành phố, đây cũng là nội dung Thường trực HĐND đưa ra thảo luận tại các tổ thảo luận tại kỳ họp chuẩn bị diễn ra bởi đây là nội dung các đại biểu HĐND quan tâm, với tinh thần giám sát, đôn đốc đến cùng.
Đối với quản lý tài sản công về nhà đất, nội dung này đã được HDND giám sát và có thông qua kết luận giám sát, trong nội dung này HĐND đã đề nghị UBND Thành phố tập trung 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để tập trung khắc phục hạn chế tồn tại đoàn giám sát chỉ ra. Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND đã yêu cầu UBND Thành phố có báo cáo để thảo luận bởi đây cũng là nội dung các đại biểu HĐND quan tâm.
Kỳ họp cuối năm HĐND Hà Nội xem xét 22 báo cáo và 22 nghị quyết
Kỳ họp dự kiến xem xét 44 nội dung gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết. Trong đó, các báo cáo thường lệ như: Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố Hà Nội; Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của thành phố Hà Nội năm 2022; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2023; Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội…
HĐND cũng xem xét các báo cáo chuyên đề (04 báo cáo) về: Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội; Kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm 2023-2025 của thành phố Hà Nội; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 ngày của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch về việc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND Thành phố tại phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 02 ha trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, xem xét nội dung 22 nghị quyết (22 nghị quyết): Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023; Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước của Thành phố năm 2021; Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2023. Ngoài ra xem xét danh mục các dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 thành phố Hà Nội.
Với Nghị quyết chuyên đề không là nghị quyết quy phạm pháp luật (07 nghị quyết): Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố; Thành lập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022; Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030…
HĐND cũng xem xét Nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa (thay thế Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014); Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Kỳ họp dành 01 ngày (ngày 09/12/2022, thứ Sáu) để HĐND Thành phố thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà Đại biểu HĐND Thành phố cùng đông đảo cử tri, dư luận và Nhân dân Thủ đô quan tâm.
Gia Huy