Để người dân ngày càng hướng tới ‘sản phẩm xanh’
(Chinhphu.vn) - Những sản phẩm được làm từ thiên nhiên, chất liệu tái chế, có khả năng tự phân hủy trong tự nhiên ngắn như túi giấy, ống hút giấy… đang dần trở nên phổ biến hơn. Điều này sẽ góp phần giúp người dân ngày càng hướng tới việc tiêu dùng “sản phẩm xanh” thay thế sản phẩm nhựa.
Nhiều cửa hàng đã chuyển hướng kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh: Thùy Linh |
Tăng cường sử dụng “sản phẩm xanh”
Sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (Tập đoàn MASAN) đã triển khai các giải pháp "Vinmart xanh, khách hàng xanh và nhà cung cấp xanh" tại 2.200 điểm bán lẻ Vinmart và Vinmart trên cả nước, trong đó có 850 điểm bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.
Ðại diện hệ thống này cho biết, Vinmart đã đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường. Khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần của mình sẽ được khuyến mại giảm giá hoặc trừ tiền trên hóa đơn; tặng túi mua sắm sử dụng nhiều lần với những khách hàng tích cực hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường...
Ðối với nhà sản xuất, Vinmart hỗ trợ cho những đối tác cung ứng các sản phẩm thân thiện môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như được ưu tiên trưng bày tại siêu thị, được quảng cáo, đặt biển nhận diện... Ðây là những quyền lợi quan trọng để khuyến khích các nhà cung cấp đồng hành phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường và lan tỏa ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị bán lẻ như Aeon, MM Mega Market, Lan Chi, Vincom... đã tích cực triển khai hạn chế túi nilon khó phân hủy. Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay đã có khoảng 140 trong tổng số 170 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn không sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần đạt 83% số chỉ tiêu thành phố giao. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm dùng một lần như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía, thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Ðồng thời, ngừng cung cấp ống hút nhựa, thay thế bằng sử dụng ống hút sản xuất từ nhiều nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo, tre nứa… tại các khu vực kinh doanh ăn uống.
Bắt kịp xu thế trên, Hà Nội cũng có không ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm “xanh” hướng tới tiêu chí bảo vệ môi trường, cung cấp các sản phẩm như mỹ phẩm thiên nhiên, sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, ống hút giấy, túi giấy… Bằng các chất liệu khác nhau nhưng đều là các sản phẩm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường, góp phần thay thế thói quen sử dụng nhựa và các sản phẩm hóa học.
Cùng với đó, không khó để có thể tìm thấy những hàng ăn hay quán cà phê tại Hà Nội đã cập nhật xu hướng sử dụng các loại ống hút có chất liệu thân thiện với môi trường như quán Cùi Dìa Cafe (Ngọc Khánh) sử dụng ống hút tre, cỏ, đồ uống mang về đựng vào bình thủy tinh; Xofa Cafe & Bistro (phố Tống Duy Tân), Four Springs Tea House (phố Hoàng Cầu) dùng ống hút giấy, tre, đựng đồ mang đi bằng cốc giấy, dán thông điệp nhắc khách sử dụng giấy tiết kiệm… Bằng những chính sách bán hàng khác nhau, các quán cà phê này đang cố gắng truyền tải tới mọi người ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải, đặc biệt rác thải nhựa.
Dần thay thế các sản phẩm bao bì bằng nhựa
Mặc dù các siêu thị, cửa hàng… đã và đang hưởng ứng trào lưu hạn chế sử dụng rác thải nhựa, rác thải nilon như một hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng túi nilon, ly nhựa và các sản phẩm bao bì bằng nhựa vẫn đang là thói quen hằng ngày của người tiêu dùng.
Đặc biệt, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, việc sử dụng túi nilon để đựng đồ diễn ra khá phổ biến. Từ hàng rau, hàng thịt, cá, tới các cửa hàng quần áo thời trang, túi xách, giày dép… không khó để bắt gặp những chiếc túi nhiều mầu được sử dụng cho từng mục đích khác nhau.
Chị Đào Thị Thắm, bán hàng rau củ tại chợ Xuân La (quận Tây Hồ) chia sẻ, các vật dụng từ nhựa có giá rẻ, tiện lợi, dễ mua… cho nên chị vẫn quen sử dụng để đựng đồ cho khách. Nếu đầu tư sang các sản phẩm thân thiện với môi trường thì giá thành cao hơn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội nhằm giảm rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan đoàn thể, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm rác thải nhựa, vận động doanh nghiệp, người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Yêu cầu các đơn vị phân phối tiêu dùng như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... nghiêm túc triển khai thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; thực hiện cam kết phòng chống, giảm rác thải nhựa đã ký; không cung cấp và sử dụng túi nilon khó phân hủy trong kinh doanh.
Ðặc biệt, sẽ kết hợp các nhà cung cấp dần thay thế các sản phẩm bao gói, bao bì, màng bọc thân thiện với môi trường khi cung cấp vào siêu thị, cửa hàng, tiến tới chỉ nhập và bán các sản phẩm có bao gói thân thiện môi trường.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu giải pháp mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả, đó là luật hóa nghĩa vụ của các doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa trong thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà họ sản xuất, để hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thùy Linh