Để nguồn vốn FDI 'đổ' mạnh về Thủ đô

03/10/2022 8:56 AM

(Chinhphu.vn) - Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những tháng cuối năm 2022, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU... Phát huy tối đa kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với TP. Hà Nội.

Để nguồn vốn FDI 'đổ' mạnh về Thủ đô  - Ảnh 1.

Dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Ảnh: VGP/TL

Những con số ấn tượng

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội,  tháng 9/2022, Thành phố thu hút 169,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1.019 triệu USD vốn FDI, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú khẳng định, đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Trong 9 tháng, vốn đăng ký cấp mới 262 dự án đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TPHCM, Hà Nội.

Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội chủ yếu thuộc châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Châu Âu và Mỹ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Có thể thấy, với lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP. Hà Nội đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư… Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch cần hạn chế làm bề nổi, chuyển sang hoạt động thực tế đi vào chiều sâu; qua đó nâng cao hiệu quả trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những tháng cuối năm 2022, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và EU... Phát huy tối đa kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với TP. Hà Nội; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Cụ thể, tổ chức đoàn công tác quảng bá môi trường đầu tư TP. Hà Nội và nghiên cứu tiềm năng, đối tác đầu tư tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha; tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch với Hàn Quốc; Hội nghị "Hà Nội 2022-Hợp tác, đầu tư và phát triển".

Trước đó, nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng, TP. Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; Khu công nghiệp Phụng Hiệp.

Song song với đó, TP. Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư.

Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI và tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, theo chuyên gia kinh tế TS Trần Đình Thiên, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riềng cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic, nếu mở cửa hội nhập càng tốt càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều thuộc dòng đầu tư chất lượng cao sẽ tạo ra áp lực để buộc Thành phố phải cải cách mạnh hơn nữa", ông Thiên nhấn mạnh.

Diệu Anh

Top