Để Quy hoạch chung đáp ứng mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đột phá về kinh tế xã hội bền vững

18/04/2024 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội hướng tới phát triển Thủ đô là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Gấp rút hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung

Cùng với Quy hoạch Thủ đô, TP. Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC2011), trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.

Để Quy hoạch chung đáp ứng mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đột phá về kinh tế xã hội bền vững- Ảnh 1.

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

Trong bối cảnh các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp Vùng và phát triển đô thị, nông thôn đã có những thay đổi, bổ sung, và đặc biệt là được sự chấp thuận của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, TP. Hà Nội đã triển khai 3 nhiệm vụ quan trọng gồm sửa đổi Luật Thủ đô, triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) và triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (gọi tắt là Quy hoạch chung).

Để có được một đồ án quy hoạch chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển đột phá về kinh tế - xã hội và bền vững về dài hạn, trở thành trung tâm động lực phát triển của quốc gia, thì việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vào đồ án là rất quan trọng.

Là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng thực hiện quy trình triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung theo quy định, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đã được công khai lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội. Đồng thời, đồ án thông qua nhiều buổi hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học phục vụ phản biện đồ án.

Hồ sơ đồ án cũng đã được Bộ xây dựng thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản đến 21 Bộ ngành, Hiệp hội, Hội nghề nghiệp... cũng như các ý kiến đóng góp tham vấn trực tiếp.

Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia trong quá trình hoàn thiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý cụ thể của Bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan nhằm hoàn chỉnh giải pháp quy hoạch, cấu trúc lại hồ sơ sản phẩm gồm báo cáo tổng hợp, bản vẽ, dự thảo quyết định theo các quy định pháp luật hiện hành, chỉnh sửa nội dung quy hoạch theo các góp ý cụ thể của bộ ngành, hội nghề nghiệp, chuyên gia phản biện...

Xác định rõ các khâu đột phá phát triển

Tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến-văn minh-hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.

Đây cũng là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao; trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; đô thị xanh, thông minh, hiện đại, nông thôn sinh thái, văn minh, thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao. Người Hà Nội hào hoa, văn minh, thanh lịch, nghĩa tình. Thủ đô Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Chỉ tiêu đến năm 2030, quy mô dân số Thủ đô khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5-9,5%/năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500-14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% GRDP. Chỉ số phát triển con người HDI từ 0,86-0,90. Diện tích đất cây xanh bình quân 10-12 m2/người. Tỉ lệ đô thị hóa từ 65-70%...

Quy mô dân số thường trú đến 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 USD-46.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 80-85% vào năm 2050.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển về bảo vệ môi trường là giải quyết ô nhiễm các dòng sông nội đô; thực hiện tổng hợp các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, không khí khu vực đô thị; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các hành lang xanh, tăng diện tích cây xanh khu vực nội đô…

Quy hoạch nêu rõ việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xây dựng khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị (agritown); xây dựng mô hình "phố trong làng" cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…

Về kinh tế, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển dịch vụ logistics và các hệ thống phân phối; hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính-ngân hàng; phát triển kinh tế đô thị gắn với khai thác các không gian...

Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển cũng xác định một số tiêu chí trên lĩnh vực xã hội (giáo dục, văn hóa, y tế...); an ninh, an toàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực...

Các khâu đột phá phát triển tập trung vào thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan; sắp xếp, phân bố không gian phát triển.

Rà soát điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu phát triển đô thị

Hiện Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch chung Thủ đô, trong quá trình hoàn thiện, TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh nội dung, giải pháp quy hoạch của đồ án.

Đối với nhóm ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam về xác định chỉ tiêu, quy mô quỹ đất phát triển cho đô thị và các khu chức năng phù hợp với mô hình đô thị. Đơn vị tư vấn đã rà soát điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch, quy mô phát triển, chức năng phát triển cụ thể, các giải pháp không gian của từng khu vực phát triển đô thị nông thôn tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan.

Căn cứ vào đặc điểm phát triển của đô thị Hà Nội gồm khu vực nội đô với các khu vực có giá trị di sản như phố cổ, phố cũ, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Gươm, khu Ba Đình… cần phải thực hiện theo bảo tồn di sản; khu vực đô thị hiện hữu, làng xóm đô thị hóa cần phải thực hiện theo nguyên tắc cải tạo và tái thiết đô thị với các chỉ tiêu, tiêu chí đặc thù để thực hiện; khu vực phát triển đô thị mở rộng, đô thị mới áp dụng theo các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, TOD, thông minh… phù hợp điều kiện của từng khu vực.

Đối với các khu vực chức năng đặc thù như khu công nghệ cao, khu đào tạo, khu du lịch, khu văn hóa, thể dục thể thao… sẽ áp dụng các tiêu chí đặc thù.

Tiếp thu góp ý của các Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đơn vị tư vấn đã bổ sung thuyết minh làm rõ các mô hình áp dụng vào Điều chỉnh Quy hoạch chung như: thành phố trong Thủ đô, đô thị xanh, đô thị thông minh, TOD; chuyển hóa các mô hình lý thuyết thành các giải pháp quy hoạch cụ thể.

Quá trình nghiên cứu lập Điều chỉnh Quy hoạch chung đã ứng dụng các mô hình phát triển để lựa chọn chức năng phát triển của từng khu vực, lựa chọn chỉ tiêu tính toán để có quy mô phát triển phù hợp, lựa chọn mô hình tổ chức không gian, kết hợp với mô hình giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo từng khu vực.

Bên cạnh đó, quá trình ứng dụng các mô hình còn cân nhắc điều kiện hiện trạng của từng khu vực, kế thừa và phát huy các quy hoạch dự án đã có để chuyển tiếp quá trình phát triển đô thị được nhịp nhàng, không tạo mâu thuẫn, xung đột pháp lý.

Các mô hình áp dụng cần tiếp tục được cụ thể hóa ở các giai đoạn lập chương trình triển khai thực hiện, lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở cấp thấp hơn và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, 7 nhóm giải pháp trọng tâm là huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng là một bộ phận của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu…Do đó, Quy hoạch chung cần tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập; từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trang và trả lại cho các con sông những chức năng trước đây như không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát, bổ sung căn cứ lập Quy hoạch, nguyên tắc và phương pháp lập Quy hoạch; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, hệ thống đô thị - nông thôn; quan điểm và mục tiêu, các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; phương hướng phát triển các ngành quan trọng theo phân cấp ngành 2, ngành 3 của nền kinh tế...

Thùy Chi

Top