Đề xuất giữ nguyên mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao

22/09/2021 8:32 PM

(Chinhphu.vn) - Đề xuất giữ nguyên mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao; đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do Trung ương quy định với kinh phí trên 1.500 tỷ đồng/năm; con công nhân khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất là một số nội dung được HĐND TP. Hà Nội xem xét tại phiên họp chiều nay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trình bày báo cáo tại phiên họp HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Đề xuất mức trần học phí giáo dục chất lượng cao giữ nguyên như năm học 2020-2021

Chiều 22/9, HĐND TP. Hà Nội khoá XVI đã tiến hành xem xét về quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thành phố, năm học 2021-2022.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, tính đến tháng 5/2021, Hà Nội có 22 trường đã được công nhận trường chất lượng cao (trong đó có 16 trường công lập và 6 trường ngoài công lập), 2 trường đã được UBND Thành phố phê duyệt Đề án trường chất lượng cao.

Trong 16 trường công lập chất lượng cao có 2 trường ở một số lớp mức thu học phí đạt tỷ lệ 100% so với mức trần, đó là trường Tiểu học đô thị Sài Đồng và trường Tiểu học Nam Từ Liêm, với mức thu 5.500.000 đồng/HS/tháng; trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) mức thu 5.650.000 đồng/HS/tháng.

Về nguyên tắc xây dựng mức trần học phí năm học 2021-2022, đảm bảo tính đủ chi phí cho hoạt động của trường chất lượng cao (theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND); chi phí của trường chất lượng cao bao gồm chi phí cho hoạt động nhu các trường công lập đại trà và chi phí cho chương trình chất lượng cao; trên cơ sở số liệu thực tế mức thu học phí binh quân của 16/16 trường công lập chất lượng cao năm học 2020-2021 đều dưới mức trần theo quy định tại Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND.

Cụ thể, đối với các truờng mầm non: Đạt tỷ lệ 73,4% so với mức trần; đối với các trường tiểu học: Đạt tỷ lệ 64,2% so với mức trần; đối với các trường trung học cơ sở: Đạt tỷ lệ 56% so với mức trần; đối với các trường trung học phổ thông: Đạt tỷ lệ 66,1% so với mức trần. Đồng thời, mức trần học phí đề xuất năm học 2021-2022 phải đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh.

Ông Trần Thế Cương cho biết, dựa vào nguyên tắc nêu trên và trong tình hình kinh tế xã hội Thủ đô bị ảnh hưởng bởi dịch CVODI-19, UBND Thành phố đề xuất mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2020-2021 được giữ nguyên như năm học 2020-2021.

Cụ thể: Trường mầm non 5.100.000 đồng/HS/tháng, Trường tiểu học 5.500.000 đồng/HS/tháng, Trường THCS 5.300.000 đồng/HS/tháng, Trường THPT 5.700.000 đồng/HS/tháng.

Hỗ trợ cơ sở vật chất giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp

Trong chiều 22/9, HĐND TP. Hà Nội đã xem xét Tờ trình về việc quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP. Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, năm học 2020-2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với 525.395 trẻ em theo học; trong đó có 793 cơ sở giáo dục công lập với 367.075 trẻ em và 352 cơ sở giáo dục dân lập, tư thục với 158.320 trẻ em (chiếm tỷ lệ 30,1% tổng số trẻ em theo học).

Tại thời điểm tháng 5/2021, trên địa bàn Thành phố có 138 cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất.

UBND TP. Hà Nội đề xuất, quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư  thục ở địa  bàn có khu công nghiệp của TP. Hà Nội như sau: Đối tượng hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Mức hỗ trợ không thấp hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

Theo đề xuất của UBND Thành phố, đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập có quy mô dưới 3 nhóm, lớp: Hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập (bằng mức tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/ND-CP). Đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập có quy mô từ 3 nhóm, lớp trở lên: Hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập (bằng 2 lần mức tối thiểu quy định tại Nghị đinh số 105/2020/NĐ-CP). Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm học 2021-2022. Tổng kinh phí ngân sách dự kiến các quận, huyện, thị xã phải đảm bảo để thực hiện chính sách khoảng 4,66 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ đảm bảo để các cơ sở giáo dục trang bị bổ sung đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT còn thiếu do hư hỏng, tiêu hao và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; được xây dựng trên cơ sở quy mô nhóm, lớp của các cơ sở giáo dục và số liệu khảo sát, nhu cầu đề xuất hỗ trợ của cơ sở giáo dục. Tổng kinh phí hỗ trợ trong khả năng cân đối ngân sách của các quận, huyện, thị xã.

Đề xuất mức trợ giúp xã hội lên 440.000 đồng

Về xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do Trung ương quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương, mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức chuấn của Thành phố hiện đang thực hiện là 350.000 đồng (chuẩn của Trung ương là 270.000 đồng), tương ứng tăng hơn mức chuẩn T.Ư 80.000 đồng.

Sau  khi tham khảo mức chuẩn trợ giúp xã hội của một số tỉnh, thành phố; Liên Sở đề xuất mức chuẩn của Thành phố là 440.000 đồng (Trung ương tăng từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng; thành phố Hà Nội cũng tăng tương ứng từ 350.000 đồng lên 440.000 đồng).

Đối tượng bảo trợ xã hội gồm 8 nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm 6 nhóm đối tượng); đối tượng “người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập” không còn thuộc diện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, UBND TP. Hà Nội đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do Trung ương quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).

Nghị quyết về các nội dung nêu trên được HĐND TP. Hà Nội tổ chức biểu quyết vào phiên họp sáng mai (23/9).

Gia Huy

Top