Đề xuất một số giải pháp nâng cao việc dạy và học trực tuyến hiện nay
(Chinhphu.vn) - Ngày 12/9, trong bài phát biểu Phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.
![]() |
Học sinh học trực tuyến cần tự giác và tự chủ bản thân rất cao. Ảnh minh họa |
Báo Điện tử Chính phủ xin chia sẻ ý kiến của ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện là Giám đốc Quỹ Quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, về các giải pháp cho việc học trực tuyến hiệu quả, tiến tới mục tiêu chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Dạy học trực tuyến là một phương thức dạy học tất yếu trong xã hội số
Phương thức dạy học trực tuyến đã có từ nhiều năm trước. Một số trung tâm hay viện liên quan đến công tác giáo dục của Việt Nam đã dụng phương thức này để đào tạo từ xa cho những học viên không có điều kiện tới lớp, học tập trung. Nhưng đối với dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên thì đây là việc mới lạ, vì thế gặp phải trở ngại khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Những điểm mới không có trong cách dạy học truyền thống nhưng lại rất quan trọng khi dạy học trực tuyến, đó là phải có sóng và máy tính hoặc thiết bị điện thoại thông minh; phải có kinh phí chi cho hệ thống phần mềm dạy học, quản lý trước - trong - sau giờ học và hạ tầng công nghệ thông tin. Giáo viên phải được đào tạo để dạy học có hiệu quả. Học sinh cần tính tự giác, sự cảm thông và tự chủ bản thân rất cao, đặc biệt là quản lý thời gian học của mỗi em.
Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp cụ thể, kết dính liên tục và không đứt gãy; thành lập nhóm các gia đình để hỗ trợ, kết nối dạy học trực tuyến với nhà trường’ an toàn, an ninh mạng cho học sinh được đặt lên hàng đầu. Học sinh lớn cần tránh để học sinh tiếp xúc những hình ảnh độc hại, nội dung xấu. Hiệu trưởng các nhà trường cần kiểm tra, giám sát tất cả học liệu đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh.
Nhà trường luôn giữ liên lạc với học sinh, biết rõ “tình trạng” học sinh đang thế nào trong suốt buổi học; tạo cho các em có động lực và hứng thú khi học ở nhà. Tùy theo điều kiện của từng trường dạy học trực tuyến mà có thể giáo viên dạy theo từng cấp độ: Thông qua đường truyền internet; qua truyền hình hay qua các tờ bài học, phiếu học tập do nhà trường chuyển đến học sinh.
Ở Việt Nam, những mặt mạnh cơ bản của phương thức dạy học trực tuyến là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu, cho phép người học lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập như họ mong muốn. Người học học có thể độc lập về thời gian và không gian và trong mọi giai đoạn của cuộc đời, tức là cách học hiệu quả nhất cho phong cách học tập suốt đời. Hiện đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học. Ở đây thể hiện sự đa dạng sẵn có các nền tảng dạy học trực tuyến ở các trường, các địa phương.
Những sự bất cập trong dạy học trực tuyến hiện nay có thể thấy là do chúng ta chưa triển khai đồng bộ, chưa đầu tư cho chiến lược này một cách bài bản. Hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng ta đã phải thực hiện giãn cách xã hội và tổ chức dạy học trực tuyến nhiều lần để bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, do chưa đủ nguồn lực và cơ sở hạ tầng dạy học trực tuyến, dẫn đến cha mẹ học sinh bất an, học sinh lo lắng, mệt mỏi và chán nản, nhất là các các học sinh lớp học cuối cấp.
Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, với đặc điểm của quốc gia số, kinh tế số và chuyển đổi số. Dạy học trực tuyến ra đời như một một xu thế tất yếu.
Do đó việc đổi mới giáo dục, theo hướng giáo dục kiến tạo, nâng cao chất lượng giáo dục là nhân tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia cũng như mỗi công ty, gia đình và cá nhân. Giới tinh hoa khoa học thế giới đã đồng thuận rằng, dạy học trực tuyến chính là giải pháp hữu hiệu cứu cánh cho những vấn đề này. Vì thế, dạy học trực tuyến là cơ hội vàng cho đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp trong thời đại kỹ thuật số, nên cần nắm bắt thời cơ quý hiếm này nhất là ở các thành phố lớn, các đô thị thông minh. Nhất là trung tâm giáo dục lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trên cả nước.
Đi cùng với sự hỗ trợ của mạng truyền với công nghệ truyền dữ liệu 5G hiện nay, công nghệ Al (trí tuệ nhân tạo) là thuận lợi vô cùng to lớn cho dạy học trực tuyến. Có thể hiểu, dạy học trực tuyến là một phương thức dạy học hiện đại không thể bỏ qua.
Những giải pháp cần quan tâm
Trước hết về nhận thức và cách làm có thể hiểu: Giữa phương thức dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, không bao giờ phủ nhận lẫn nhau, mà cùng tồn tại, cùng hỗ trợ để phát huy thế mạnh của mỗi phương thức dạy học.
Để thành công, cần xây dựng cho được hệ sinh thái cho dạy học trực tuyến, nghĩa là phải kết hợp đồng bộ và gắn kết giữa các trường đại học, các chuyên gia CNTT, các chuyên gia giáo dục, các công ty và doanh nghiệp để cùng hợp lực triển khai tổ chức dạy học trực tuyến.
Theo ý kiến cá nhân của tác giả bài viết này, Nhà nước cần có chiến lược cho dạy học trực tuyến theo định hướng:
Một là, xây dựng bản đồ phân vùng, khu vực, các khối trường được dạy học trực tuyến (khi đã được chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về nhân lực và vật lực cho dạy học trực tuyến) theo nguyên tắc: “Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”. Quy định cụ thể môn học, hoạt động học và thời điểm dạy học trực tuyến hàng tuần. Bằng cách này sẽ dư ra phòng học và giảm sĩ số học sinh trong lớp khi học trực tiếp. Điều này rất phù hợp cho các khu vực thành phố và khu đông dân cư, vốn có nhiều học sinh;
Hai là, tất cả các khối trường phổ thông ở các địa phương còn lại dạy học trực tiếp theo nguyên tắc: “Áp dụng có mức độ các ứng dụng của dạy học trực tuyến vào dạy và quản lý dạy học cũng như quản lý nhà trường”. Xây dựng lộ trình để từng bước các địa phương này có được sự hỗ trợ cần thiết từ công nghệ đến kỹ năng dạy học trực tuyến để sớm tiếp cận và hòa nhập với khối trường đang dạy học theo phương thức dạy học trực tuyến.
Chúng ta cần hiểu rõ, việc dạy học trực tiếp (offline) truyền thống và dạy học trực tuyến (online) không trực tiếp là hai phương thức dạy học hoàn toàn khác nhau. Không thể chuyển đổi một cách cơ học, theo cách hiểu đơn giản giữa hai phương thức dạy học này cho nhau. Điều đó có nghĩa, cần xây dựng hai chương trình dạy học học trực tiếp và dạy học trực tuyến khác nhau cho cùng những đối tượng học sinh hay cho cùng một đơn vị nhà trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức dạy học trực tuyến được coi là giải pháp tình thế hay giải pháp lâu dài có tính chiến lược ở mỗi quốc gia và mỗi vùng miền lại có quan điểm cũng như cách làm khác nhau.
Mục tiêu dạy học hạ thấp đích đến cho người học, tới mức tối thiểu, chỉ cần học sinh đạt được những yêu cầu cơ bản, cần thiết nhất của môn học hoặc hoạt động giáo dục. Từ đó sẽ giảm áp lực đáng kể cho giáo viên và học sinh khi phải học tập trong môi trường phi truyền thống, nhất là dịch giã đang cận kề, rất nguy hiểm, khó lường trên phạm vi cả nước và cả thế giới.
Nội dung dạy học được tinh giản và giảm tải đáng kể. Xây dựng lại kế hoạch dạy học, tùy thuộc vào cấp học, khối lớp học. Cắt giảm thời lượng và ngay cả giảm bớt môn học. Lập thời khóa biểu mới và chia sẻ công khai cho từng gia đình học sinh.
Mới đây, tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã lưu ý phương châm “học mà chơi, chơi mà học" đối với học sinh bậc tiểu học. Theo ý kiến tác giả, những khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6 học theo SGK mới, tức là đổi mới phương pháp, trọng tâm dạy học phát triển năng lực học sinh thì cần hạn chế dạy học trực tuyến vì rất khó dạy, không hiệu quả và giáo viên sẽ rất vất vả phải dạy lại cách học cho các em khi được trở về học trực tiếp. Các khối lớp này tăng cường dạy học kỹ năng sống hay các môn nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm ảo thông qua các video, youtube hấp dẫn khác.
Đặc biệt, riêng học sinh khối lớp 1 và lớp 2 có kế hoạch học tập riêng. Ta biết, học sinh lớp 1 chú ý có chủ định rất hạn chế, thiếu tính bền vững, dễ bị phân tán bởi xung quanh. Các em chỉ có thể chú ý tối đa 25 phút khi học trực tiếp. Trong dạy học trực tuyến, sự chú ý này cũng chỉ 10 tới 15 phút là tối đa. Trí giác mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết. Do đó, rèn các kỹ năng cơ bản về đọc, nghe, nói và viết hay làm tính rất ít hiệu quả khi các em phải buộc học qua trực tuyến.
Trí tưởng tượng của các em còn đơn giản, nên rất cần có sự mô tả hướng dẫn trực tiếp của thày cô. Đặc biệt các em chưa đủ ý trí để thực hiện mục tiêu đến cùng, dù đó là nhỏ bé. Các em vẫn còn ham chơi, chưa thích học, giống những gì đã thành thói quen khi còn ở lớp mẫu giáo. Dạy học mang nặng mục tiêu làm quen, “giữ trẻ”, tạo cho các em có tâm lý bình thường được đi học. Cha mẹ phải đồng hành học suốt buổi học, học một - một cùng con. Rèn kỹ năng sống là chính, không hy vọng nhiều vào việc dạy các kiến thức cơ bản cho các em. Viết đúng chưa cần viết đẹp. Biết làm tính chưa cần tính nhanh.
Nội dung học bắt buộc phải thông qua kênh hình, có màu sắc rực rỡ, sinh động qua đó hình thành khái niệm sơ khai mang tính đầu đời ở trẻ đầu cấp tiểu học. Hình thức học nhẹ nhàng, lôi cuốn, hấp dẫn như xem tranh, xem phim hoạt hình, vốn từng quen thuộc với các em. Các video hay clip rất có ích cho dạy học trực tuyến cho lớp nhỏ tuổi. “Học mà chơi và chơi mà học” là phương châm dạy học cho trẻ.
Tôi tin rằng, với quyết tâm và tầm nhìn của Chính phủ trong chuyển đổi, nếu ngành giáo dục đưa ra được những chiến lược kịp thời, phù hợp, thì trong vòng 5 năm tới chúng ta có thể triển khai dạy học trực tuyến rộng khắp, có hiệu quả như các nước dẫn đầu là Mỹ và Hàn Quốc.
Đặng Tự Ân
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam
Nguyên Vụ trưởng Vụ GDTH (Bộ GD&ĐT)