Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Cần thiết nhưng phải có chọn lọc

10/02/2025 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, TP. Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông 1,5-2 lần so với Nghị định 168 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để người dân quan tâm hơn đến luật, có ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, Thành phố nên có sự chọn lọc, xem xét kỹ về hạ tầng giao thông để áp dụng cho từng hành vi.

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Cần thiết nhưng phải có chọn lọc- Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông 1,5-2 lần so với Nghị định 168 là cần thiết nhưng cần có chọn lọc

Lý do Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt?

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168 đối với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng, áp dụng từ tháng 7/2025.

Trong 107 lỗi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt, UBND TP. Hà Nội cho rằng có 3 nhóm hành vi chính: Có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.

Lý giải về mức phạt, UBND Thành phố cho rằng Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước với dân số khoảng 8,5 triệu người. Nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, ngoại giao, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Trên địa bàn TP. Hà Nội phát triển đa dạng các loại hình giao thông vận tải, nhiều chủng loại xe cộ với mật độ cao, từ đó kéo theo sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khác biệt hẳn so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hiện vẫn được áp dụng tương tự các địa phương khác. Do đó, Cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô.

Ngoài ra, TP. Hà Nội cho rằng ý thức tham gia giao thông của người dân còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm thường lặp lại với các hành vi: không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu; không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều; đi vào đường cấm; không chấp hành đèn tín hiệu.

Nguyên nhân một phần do sự đa dạng về người tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Về cơ sở pháp lý, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.

Theo UBND Hà Nội, Nghị định 168 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi. Tuy nhiên với thực tiễn địa bàn Thành phố và tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân…

Mục tiêu, quan điểm xây dựng đề xuất trên nhằm kéo giảm giao thông, ùn tắc, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn Thành phố.

Xử phạt cao phải đồng bộ với chất lượng hạ tầng giao thông

Chia sẻ với phóng viên về việc này, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng, công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện TP. Hà Nội vẫn áp dụng tương tự như các địa phương khác. Do đó, cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô.

"Xử phạt vi phạm giao thông không phải là nguồn thu chính của ngân sách, không phải thuế hay phí, mà là một hình thức để duy trì trật tự, an toàn giao thông. Phạt là để người dân chấp hành luật, tham gia giao thông phải tuân thủ quy tắc, có văn hóa và đặt an toàn lên hàng đầu", chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu nhấn mạnh và cho rằng việc Hà Nội đề xuất tăng nặng mức phạt là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Mức phạt nặng sẽ góp phần tạo thói quen, nề nếp, văn hóa giao thông cho người dân.

Cũng theo ông Hiếu, ý thức là điều cốt lõi nhất, không chỉ với người dân mà với cả lực lượng chức năng và cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, trước tiên TP. Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, vận tải công cộng, quản lý tốt nhu cầu giao thông. Có như vậy mới tạo nên một không gian đô thị văn minh, hài hòa, nơi người dân không phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân. Làm được điều đó tất yếu ùn tắc, vi phạm giao thông sẽ tự động giảm.

Với mức phạt cao như hiện nay, ông Hiếu nhận định việc người dân lo ngại phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông là có cơ sở. Vì vậy, cần tăng cường giám sát bằng camera, xử phạt nguội qua hình ảnh, hạn chế xử phạt trực tiếp. Nếu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, có tình có lý, không ngoại lệ, công khai minh bạch thì người dân sẽ tâm phục khẩu phục và tự giác chấp hành các quy định.

"Lực lượng tuần tra kiểm soát phải lấy việc ngăn ngừa là chính, xử lý sau. Xử lý phải công khai, tạo hình ảnh đẹp, nghiêm minh của cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, phải xóa bỏ những hình ảnh như che ô kín mít, xử phạt trong cabin ô tô, trong bốt gác... tránh gây hiểu lầm, phản cảm", ông Hiếu nói.

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Cần thiết nhưng phải có chọn lọc- Ảnh 2.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa). Ảnh: NVCC

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho biết, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực là một bước tiến trong nỗ lực cải thiện ý thức tuân thủ trật tự giao thông của người dân.

Việc áp dụng các mức phạt cao trong Nghị định là cần thiết để tăng cường tính răn đe đối với hành vi vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh tai nạn là vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam, mỗi năm cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Tuy nhiên, với đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội, Luật sư Hoàng Trọng Giáp có quan điểm cho rằng, chính quyền Thành phố nên xem xét kỹ về hạ tầng giao thông để áp dụng cho từng hành vi.

"Cá nhân tôi thấy, hạ tầng đường xá của Thành phố rất bất cập, nhiều tuyến đường ổ gà, nắp hố ga lồi lên hoặc lõm xuống tràn lan, vạch kẻ đường không rõ. Đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì giờ cao điểm ùn tắc khủng khiếp, nếu người lái xe motor luôn tìm mọi cách len lỏi ngóc ngách, vỉa hè... thì tác động sẽ tiêu cực cho người tham gia giao thông", Luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.

Theo Luật sư, việc áp dụng xử phạt hành chính cao phải đồng bộ với chất lượng hạ tầng giao thông, hạ tầng phải thuận tiện hơn cho người tham gia giao thông và cần xử lý đồng thời các hành vi xâm phạm giao thông khác như hàng quán bày bán vỉa hè, xâm phạm lòng, lề đường, hay cần xây dựng các công trình hạ tầng giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu của xã hội,...

Đặc biệt, Nghị định 168 vừa có hiệu lực. Hà Nội cần có thời gian để đánh giá, rút kinh nghiệm về tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị định 168. Nếu sau thời gian dài thực hiện, nhận thấy tình hình vi phạm giao thông còn phức tạp, thì việc tăng mức phạt là hoàn toàn hợp lý. Tất nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để đánh giá một chính sách thì cần có độ trễ về mặt thời gian.

Thùy Linh - Giang Oanh

Top