Đem kiệt tác làng nghề đến với Triển lãm ‘Mỗi làng một sản phẩm’

13/11/2018 5:03 PM

(Chinhphu.vn)-Suốt mấy tháng qua, để chuẩn bị cho sự kiện triển lãm Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) cùng với Hội chợ đặc sản vùng miền diễn ra vào cuối tháng 11 tại Royal City, các thợ thủ công làng nghề truyền thống Hà Nội đã bắt tay vào chuẩn bị cho gian hàng của mình thật mới lạ và độc đáo, góp phần tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Mô hình ngôi nhà "Đám mây" của làng nghề Phú Vinh

Đây là lần đầu tiên sự kiện triển lãm Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) được tổ chức cùng với Hội chợ đặc sản vùng miền. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) tổ chức thu hút tới hơn 400 gian hàng của các làng nghề, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Hà Nội tham gia.

Triển lãm được tổ chức với mục đích quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng tiêu biểu, thiết kế mới của các làng nghề của Hà Nội; tạo cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày, trình diễn các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo, bản sắc riêng cho từng sản phẩm; tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn quan trọng góp phần quảng bá thu hút đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước đến Thủ đô, nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm của các doanh nghiệp và làng nghề để sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu, tạo cơ hội để du khách quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong và ngoài nước tiếp cận về các sản phẩm mang thương hiệu OVOP Việt Nam.

Người thợ thủ công đang hoàn thiện sản phẩm để tham dự Triển lãm OVOP

Các khu không gian sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm kết hợp với trình diễn sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề, kể các câu chuyện về sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội: Khu không gian "Mây tre lá" (nghệ nhân, làng nghề Phú Vinh, Ninh Sở, Phú Túc, Ứng Hòa, Chuông...); Khu không gian Gốm sứ (nghệ nhân, làng nghề Bát Tràng, Giang Cao...); Khu không gian "Sừng" (nghệ nhân, làng nghề Thụy Ứng...); Khu không gian "Lụa" (nghệ nhân, làng nghề Vạn Phúc, Mỹ Đức…); Khu không gian "Đan móc" (nghệ nhân, làng nghề Thường Tín); Khu không gian sơn mài (nghệ nhân, làng nghề Bối Khê, Duyên Thái, Phú Xuyên…); Khu không gian "Đồ gỗ, chạm khắc gỗ" (nghệ nhân, làng nghề Du Dự, Sơn Đồng, Nhị Khê, Thanh Oai, Sơn Đồng, Hoài Đức, Thường Tín)...

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, để có được không gian hội chợ đặc sắc với nhiều nét đột phá, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ rất sớm. Ban Tổ chức đã tổ chức thực hiện các mẫu thiết kế trên cơ sở kế thừa và học tập các mô hình triển lãm của nước ngoài và sự tham góp của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Các mẫu trang sức được làm từ chất liệu sừng theo thiết kế sẽ được giới thiệu tại OVOP

Để tìm hiểu về công tác chuẩn bị rất chu đáo và công phu của các làng nghề thủ công mỹ nghệ cho sự kiện, chúng tôi tìm đến làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), các thợ thủ công đang thực hiện các giai đoạn cuối cùng của mô hình ngôi nhà “Đám mây”, sẽ được trưng bày tại Triển lãm OVOP. Mô hình này được tạo nên từ hàng nghìn chiếc giỏ mây tre đan, các tấm đan hình vòm cung.

Bác Nguyễn Trọng Đức, một người thợ ở đây cho biết, sản phẩm lấy ý tưởng là “Đám mây” trong không gian rộng lớn của một thế giới hòa bình. Các thợ thủ công Phú Vinh đã khéo léo kết hợp các giỏ mây, các tấm đan… lại với nhau để làm ra ngôi nhà “Đám mây” độc đáo.

“Đây là lần đầu tiên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh tham dự một triển lãm quy mô lớn như vậy và công trình này mang theo mong muốn của những người thợ là giới thiệu những sản phẩm độc đáo của làng nghề mình đến với khách du lịch trong và ngoài nước’, bác Đức chia sẻ.

Các sản phẩm sơn mài tinh xảo, đẹp mắt của gia đình ông Đỗ Hùng Chiêu hứa hẹn thu hút khách thăm quan

Đến với xưởng sản xuất sừng truyền thống của gia đình ông Nguyễn Xuân Huy và gia đình anh Vũ Thanh Liêm tại làng nghề sừng truyền thống Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội) mới cảm nhận được nét tinh xảo trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Hà Nội. Không chỉ đơn giản là lược sừng, những sản phẩm trang sức, phụ kiện được làm từ sừng sẽ đem đến sự ngạc nhiên cho khách tham quan. Những sản phẩm này cũng đang được hoàn thiện và đem đi giới thiệu tại triển lãm OVOP.

Rời làng nghề sừng Thụy Ứng, chúng tôi đến với làng nghề sơn mài của huyện Thường Tín, chia sẻ với chúng tôi về các sản phẩm sơn mài, ông Đỗ Hùng Chiêu, chủ cơ sở sơn mài mỹ nghệ Chiêu Hà (xã Duyên Thái, Thường Tín) cho biết, các tác phẩm tranh sơn mài của gia đình ông chủ yếu về phong cảnh phố cổ Hà Nội, làng quê Bắc Bộ và miền núi phía bắc. Nhiều sản phẩm sơn mài của gia đình ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ màu sắc cũng như hình khối truyền thống của sơn mài, có tính ứng dụng cao, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Những sản phẩm này sẽ sớm có mặt tại khu vực làng nghề sơn mài của triển lãm OVOP.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Vietcraft cho biết, tại Triển lãm lần này, 2 vấn đề được thể hiện rất rõ là tính sáng tạo tại Hội chợ do nghệ nhân xây dựng lên với ý tưởng sáng tạo trong trưng bày không gian Hội chợ; đồng thời những nghệ nhân đưa ra những sản phẩm thực sự có sự sáng tạo và có tính khác biệt. Ngoài ra tại Triển lãm còn trưng bày những sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng quốc tế. Các sản phẩm tại triển lãm đều không chỉ mang tính mỹ thuật mà còn mang tính ứng dụng rất cao, có những sản phẩm rất mới, chưa từng thấy bao giờ.

“Điều mà chúng tôi tự hào là chúng tôi làm ra những sản phẩm rất đáng trân trọng, nâng niu. Đặc biệt, sản phẩm Việt thể hiện sự sáng tạo của người Việt thông qua giá trị văn hoá. Đây là yếu tố chúng tôi đang duy trì và theo đuổi, đó cũng là nền tảng phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Vietcraft Lê Bá Ngọc chia sẻ.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Top